MÃN KINH SỚM
GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT
Mãn kinh sớm (MKS) là
tình trạng buồng trứng không còn hoạt động, một sự kiện hi hữu và nguyên
nhân thường khó xác định. MKS thấy có kết hợp với các yếu tố di truyền (do
gien), nội tiết và tự miễn. Tuy vậy điều trị có khả năng thấy kinh trở lại,
thậm chí có khả năng mang thai ở một số phụ nữ. Hết thảy các phụ nữ MKS, đặc
biệt những người còn rất trẻ, nên đi tư vấn để hiểu rõ hơn các dấu hiệu và
triệu chứng cũng như việc điều trị với hy vọng đảo ngược tình thế. Nếu không
sẽ khó tránh khỏi những vấn đề rắc rối về tâm - tính dục.
Mãn kinh là hậu quả của
tình trạng nang trứng không còn hoạt động do bị teo đồng thời bị giảm sản
xuất các hormon của buồng trứng và gia tăng chế tiết các hormon hướng sinh
dục của tuyến yên như hormon kích thích nang trứng (FSH) và hormon kích
thích tạo hoàng thể (LH). Nếu mãn kinh xảy ra trước tuổi 40 thì gọi là "mãn
kinh sớm", còn gọi là "buồng trứng ngừng hoạt động sớm".
Những nét đặc trưng của
hội chứng này gồm: Vô kinh thứ phát, gia tăng sản xuất hormon hướng sinh dục
(tại tuyến yên) và các mức độ giảm chất estrogen (do nang trứng tiết ra).
Tình trạng buồng trứng
sớm ngừng hoạt động đã được nhận dạng từ năm 1950, khi một công trình nghiên
cứu 20 phụ nữ tuổi 11 đến 35 ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh.
Cụ thể là, những phụ nữ này đã trải nghiệm mất kinh, những cơn mặt đỏ bừng,
tăng thể trọng và teo âm đạo mức độ khác nhau. Kể từ đó, hội chứng buồng
trứng sớm ngừng hoạt động đã được xác lập chắc chắn trong y văn và tiếp theo
nhiều trường hợp tương tự được công bố. Mặc dầu, lúc đầu người ta cho rằng
buồng trứng ngừng hoạt động là không thể phục hồi, song về sau có nhiều
trường hợp xuất hiện trở lại các kỳ kinh đã được thông báo, kể cả những
trường hợp thấy có thai tiếp theo đó.
1. Những nguyên nhân
gì khiến buồng trứng ngừng hoạt động?
Có đủ các loại giả thiết
đã được nêu lên nhằm cắt nghĩa sự thể rõ là buồng trứng tiếp tục hoạt động
trở lại. Có hai týp buồng trứng không hoạt động ngay từ đầu dựa vào các khảo
sát mô bệnh học: không có nang trứng và nang trứng không hoạt động. Trong
trường hợp có nang trứng thì tình trạng teo sớm các nang có thể do hoặc tiêu
kiệt quá nhanh các nang hoặc tốc độ tiêu kiệt bình thường nhưng số nang ngay
từ đầu đã quá ít. Trong trường hợp nang trứng không hoạt động thì buồng
trứng tỏ ra không đáp ứng với kích thích nội tiết (hromon hướng sinh dục của
tuyến yên). Những phụ nữ MKS do nang trứng không hoạt động dường như có
nhiều khả năng hơn thấy lại hành kinh và có khả năng hoàn tất cuộc thụ thai
nếu điều trị nội khoa thích hợp.
2. Những nguyên nhân
mãn kinh sớm
Người ta không biết rõ
chỉ số mắc cũng như nguyên nhân gây MKS trong phần lớn các trường hợp. Có đủ
các loại nguyên nhân khả dĩ đã được nêu ra.
- Yếu tố tạo tế bào: Những phụ nữ có rối loạn trong quá
trình tạo tế bào sinh dục thì thường vô kinh nguyên phát hoặc hiếm thấy hơn,
vô kinh thứ phát và tăng các nồng độ hormon hướng sinh dục. Những phụ nữ này
có các buồng trứng hình sọc nhỏ và thường không có sai lạc nhiễm sắc thể.
Phụ nữ có hội chứng Turner (thiếu một nhiễm sắc thể X, bộ nhiễm sắc thể mang
ký hiệu 45X), nhất là thể sai lạc thể nhiễm sắc hình khảm - nghĩa là có
nhiều dòng tế bào với đủ loại các thành phần thể nhiễm sắc giới tính thì
thường có triệu chứng tương tự.
Những nét đặc trưng ngoại
hình của hội chứng Turner (xem ảnh) gồm: thân hình nhỏ thó (so với người phụ
nữ bình thường), vú và bộ phận sinh dục không phát triển, núm vú nhỏ phía
gần hai nách, có nếp da ở cổ (da thừa) 2 bên, chân tóc bám thấp phía gáy,
người phụ nữ này hoàn toàn không có kinh ngay từ đầu.
Trong cả hai trường hợp
hội chứng Turner và không phát triển tuyến sinh dục, các thai nhi đều có số
lượng noãn bào (oocytes) bình thường lúc thai 20 tuần tuổi, nhưng gần như
không có noãn bào nào lúc mới đẻ. Sở dĩ như vậy có thể là vì teo noãn bào
quá nhanh. Tuy vậy, nếu tình trạng teo không hoàn toàn thì vẫn có khả năng
dậy thì, phóng noãn và có thai.
Sau này, buồng trứng
ngừng hoạt động sớm còn được phát hiện thấy ở phụ nữ có hội chứng ba thể
nhiễm sắc X, một số trường hợp khác lại thấy xuất hiện hội chứng X này ở một
số chị em trong cùng một gia đình.
- Yếu tố tự miễn dịch: Có khá nhiều trường hợp buồng trứng
sớm ngừng hoạt động thấy kết hợp với các rối loạn tự miễn mà thường gặp nhất
là các bệnh giảm năng cận giáp, giảm năng thượng thận và bệnh nhiễm nấm da -
niêm mạc. Các bệnh tự miễn khác có kèm buồng trứng sớm ngừng hoạt động gồm:
viêm tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, bệnh nhược cơ nặng, đái tháo đường và
thiếu máu ác tính. Những phụ nữ này thường có số lượng nang trứng bình
thường nhưng lại có các kháng thể kháng buồng trứng, và buồng trứng sớm
ngừng hoạt động là do tính miễn dịch chứ các cơ quan khác thì hoạt động bình
thường.
- Các khuyết tật
hormon và enzym:
Có thể là các nồng độ giảm thiểu LH và FSH hoặc hoạt tính sinh học bất
thường nhưng hoạt tính miễn dịch học vẫn bình thường đã đóng một vai trò
trong sớm ngừng hoạt động buồng trứng. May thay, những phụ nữ này tỏ ra đáp
ứng tốt với trị liệu bằng hormon hướng sinh dục khi MKS.
Những phụ nữ vô kinh
nhưng nồng độ hormon hướng sinh dục cao và số nang trứng bình thường (được
chứng minh bằng sinh thiết buồng trứng) thì tạo ra một hội chứng gọi bằng
hội chứng buồng trứng không đáp ứng, có nghĩa là có một khuyết tật
thụ thể hormon tại buồng trứng. Những phụ nữ này thường không đáp ứng với
thuốc hormon hướng sinh dục với liều thông thường.
3. Chẩn đoán bệnh ra
sao?
Những phụ nữ nào trước
tuổi 40 có các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh cần được thăm khám toàn thân
và tiến hành các xét nghiệm như:
- Định lượng LH, FSH,
estrdiol trong máu hàng tuần trong nhiều tuần tiếp theo.
- Định týp nhân tế bào
(nhiễm sắc thể).
- Tìm các yếu tố dạng
thấp, kháng thể kháng nhân, kháng thể buồng trứng.
- Định lượng hormon kích
thích tuyến giáp và kháng thể kháng giáp, định lượng cortisol (buổi sáng).
- Tiến hành sinh thiết
buồng trứng, nếu có chỉ định.
4. Điều trị mãn kinh
sớm như thế nào?
Việc điều trị đặc hiệu có
thể mang tới kết quả thấy kinh và phóng noãn tiếp tục trở lại.
Nếu là bệnh tự miễn
thì dùng liệu pháp cortisol hoặc trích huyết tương nhằm làm
giảm các kháng thể trong máu lưu hành.
Nếu là những hình thái
hormon hướng sinh dục bất thường thì dùng menotropin, một số dùng
estrogen
cũng có kết quả.
Những phụ nữ sớm ngừng
hoạt động buồng trứng cần được tư vấn nhất là mãn kinh quá sớm. Tình
trạng giảm nồng độ estrogen có thể khiến âm đạo trở nên khô, teo, vú cũng
teo, tăng thể trọng và những trở ngại về mặt tâm - tính dục.
Thuật ngữ "ngừng hoạt
động sớm" hình như thích hợp hơn " mãn kinh sớm" vì lý do có thể gây ra một
ý nghĩ tiêu cực nơi bệnh nhân. Nên nhấn mạnh rằng chỉ những phụ nữ còn lại
một số noãn bào trong buồng trứng mới có cơ may tiếp tục lại phóng noãn và
thụ thai. Có thể giúp người MKS thụ thai trong ống nghiệm bằng cách lấy tinh
trùng của người chồng đem thụ thai với noãn của một người cho.
Với phụ nữ MKS muốn thụ
thai, có thể dùng estrogen phối hợp progesterone theo chu kỳ sẽ ngăn ngừa
teo âm đạo, teo vú và còn bảo vệ khỏi loãng xương và bệnh tim mạch. Liều
thông thường là 1,25mg estrogen dạng liên hợp vào những ngày 1-25
hàng tháng và 10mg medroxyprogesterone acetate vào những ngày
16-25. Quy trình này được thực hiện trong 6 tháng, rồi ngừng lại theo
dõi có phóng noãn và hành kinh không. Nếu sau 3 tháng không thấy hành kinh
và phóng noãn thì có thể dùng lại một chu kỳ tiếp theo.