Chuột rút
"Em trai tôi 18 tuổi, rất hay bị chuột rút lúc đang chơi, làm việc... Tại sao em tôi lại bị như vậy? Có cách nào làm hết được chứng bệnh này không?".
Trả lời:
Chuột rút là sự co cơ ngoài ý muốn (chủ yếu ở các cơ thuộc hai chi dưới), xuất hiện đột ngột làm bệnh nhân rất đau đớn. Đây là một bệnh khá phổ biến, hay gặp ở nam giới. Căn nguyên bệnh chưa được xác định rõ. Một số nguyên nhân được đề cập là:
- Rối loạn chức năng thần kinh thực vật.
- Cơ thể mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, gây mất muối natri clorua.
- Cơ bắp phải làm việc nhiều, gây ứ đọng axit lactic trong cơ.
Để phòng ngừa chuột rút, trước khi vận động mạnh, nên ăn các thức ăn có muối và đường. Uống nhiều nước trước và sau khi luyện tập hoặc khi phải sử dụng nhiều tới cơ bắp. Việc xoa bóp khởi động khi chuẩn bị luyện tập hoặc lao động có tác dụng giảm tình trạng chuột rút tới mức tối thiểu. Nên tập thể dục thường xuyên, có một chế độ nghỉ ngơi, ăn uống thích hợp và cân bằng.
Khi đã bị chuột rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản:
- Nếu chuột rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu rút ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút.
- Nếu chuột rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất.
- Có thể dùng dầu hoặc cồn long não xoa bóp vùng bị chuột rút, đồng thời bắt cơ bắp làm việc nhẹ nhàng đến khi hết chuột rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ giãn ra, lấy lại tính đàn hồi.
- Chuột rút bàn tay (ít xảy ra) có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với động tác lặp đi lặp lại trong một thời gian dài (các nhà văn, người chơi đàn vĩ cầm...). Hãy kéo nhẹ các ngón, rồi xoa bóp bàn tay.
BS Minh Nguyệt, Sức Khỏe & Đời Sống