Dự phòng và điều trị say sóng
Những dao động của thuyền theo nhịp sóng rất dễ gây chóng mặt, buồn nôn. |
Say sóng là trạng thái mất thăng bằng của cơ thể do sự kích thích của các dao động trên tàu, biểu hiện chủ yếu là buồn nôn và nôn. Đối với những người làm việc trên biển, say sóng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và hiệu quả công tác.
Yếu tố chính làm phát sinh say sóng là thời tiết. Khi gặp điều kiện thời tiết và khí hậu không thuận lợi, con người càng dễ bị say sóng. Sóng càng lớn hoặc tàu càng nhỏ thì tỷ lệ phát bệnh càng cao. Một số yếu tố khác: kinh nghiệm đi biển ít, tuổi đời trẻ, hay ngồi, đi hoặc đứng trên tàu.
Những dao động của tàu kích thích cơ quan tiền đình trong não, làm xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt... Biểu hiện say sóng ở mỗi người có khác nhau nhưng có thể chia làm 3 mức:
- Nhẹ: Trong người nôn nao, nhức đầu, khó ngủ, tăng tiết nước miếng.
- Vừa: Nhức đầu nhiều, buồn nôn, tăng tiết mồ hôi, người quay cuồng khó chịu.
- Nặng: Nôn mửa dữ dội nhiều lần. Nhiều khi nôn chỉ ra nước trong hoặc dịch mật, người bơ phờ hốc hác vì mất nước và điện giải, trí lực giảm, các động tác phối hợp thiếu chuẩn xác.
Các triệu chứng trên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng là yếu tố thuận lợi cho việc phát sinh những bệnh tiềm ẩn như tim mạch, tiêu hóa...
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với trạng thái say sóng. Điều trị cũng không phải là khâu quan trọng vì khi hết say, thường cơ thể phục hồi nhanh. Quan trọng nhất là chăm sóc nạn nhân (như lau chùi đờm dãi, loại bỏ các chất nôn) để tránh kích thích những người khác, khiến họ nôn theo.
Nạn nhân cần được bố trí nơi nghỉ, tăng cường bổ sung nước, các điện giải, sinh tố... để được phục hồi nhanh chóng.
BS Vũ Hưng, Sức Khoẻ & Đời Sống