CHỨNG KINH PHONG
Tác giả : BS. NGUYỄN Ý ÐỨC
Chứng kinh phong còn được gọi là động kinh, kinh giản, tiếng Anh là Epilepsy.
Ðã có một thời, người ta xem kinh phong là do ma quỷ gây ra hoặc người bệnh thuộc nhóm nguy hiểm, điên khùng cần cô lập.
Tại Mỹ, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều tiểu bang cấm người bệnh không được lập gia đình, có tiểu bang còn bắt họ phải thiến hoạn để khỏi sinh con. Mãi đến năm 1977, một Ủy ban Liên bang đặc biệt về bệnh kinh phong mới kết luận rằng bệnh nhân kinh phong có đủ quyền lợi như mọi công dân khác.
Kinh phong có phải là một bệnh?
Thực ra kinh phong không phải là một bệnh mà là dấu hiệu, triệu chứng rối loạn về chức năng não bộ của một bệnh nào đó.
Ta biết rằng não bộ là một cấu trúc rất phức tạp và nhạy cảm. Não kiểm soát và điều phối tất cả các hành động của con người, từ sự di động, cảm giác, suy tư, diễn tả. Não cũng là trung tâm của trí nhớ và điều hòa sự vận hành tự nhiên của các bộ phận trong cơ thể như tim, phổi, tiêu hóa, sinh dục.
Tế bào não hoạt động nhịp nhàng với nhau bằng cách phát ra những tín hiệu điện năng. Khi một nhóm tế bào não nào đó phát ra những luồng điện bất thường thì kết quả là ta bị lên cơn kinh phong. Kinh phong có nhiều loại tùy theo vị trí của tế bào não hoạt động bất thường, như kinh phong não bì (Epilepsy cortical), kinh phong toàn thể (Epilepsy general).
Dấu hiệu báo trước
Kinh phong thường bắt đầu bằng một cảm giác hay một dấu hiệu báo trước mà ta gọi là "tiền triệu" (aura).
Bệnh nhân thấy nóng bừng trong người, tự nhiên có cảm giác lo âu, căng thẳng, cảm thấy như có một cơn gió nhẹ hay hơi lạnh lan qua cơ thể, hoặc ngửi thấy một hương vị thực phẩm đặc biệt, một mùi khác lạ. Ðôi khi những tiền triệu này xảy ra rất sớm, nhờ đó người bị kinh phong có thể biết trước để đề phòng. Căn cứ vào các tiền triệu có thể giúp xác định vùng não nào bị rối loạn.
Nhiều khi xuất hiện tiền triệu nhưng không có cơn co giật, trường hợp này được gọi là kinh phong bán phần nhẹ (Simple partial seizure).
Các loại kinh phong
Kinh phong có thể xảy ra ở bất cứ người nào, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc. Các nhân vật nổi tiếng như Alexander Ðại đế, Julius Cesar, Van Gogh, Alfred Nobel cũng bị chứng kinh phong nhưng đã thực hiện được những việc xuất chúng. Kinh phong xuất hiện ở tuổi trẻ thường bớt dần theo thời gian.
Có nhiều hình thức kinh phong co giật khác nhau. Tùy theo tín hiệu điện năng rối loạn phát ra từ một vùng hoặc toàn thể não bộ mà người ta phân biệt kinh phong từng phần hoặc kinh phong toàn thể (partial/ generalized seizure). Từ hai loại này, lại chia ra tới trên 30 loại nhỏ khác.
Một số người tuy có những cảm giác bất thường, kỳ lạ nhưng vẫn tỉnh táo; Tuy nhiên lại có người bất tỉnh, co giật tứ chi, mắt trợn ngược, nhìn trân trân vào khoảng không, nói lảm nhảm, đầu lắc lia lịa, kéo xé quần áo; Có người bất tỉnh, thân thể cứng nhắc, té ngã. Ở trẻ em, kinh phong có thể không gây co giật mà chỉ làm mất tri giác, bất động trong vài chục giây. Hiện tượng này có thể lặp đi lặp lại khiến trẻ mất khả năng học hỏi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nếu những cơn co giật xảy ra liên tục, kéo dài cả giờ và bệnh nhân rơi vào tình trạng bất tỉnh thì rất nguy hiểm, cần phải điều trị ngay. Thường thì cơn co giật có thể kéo dài từ vài giây tới dăm bảy phút.
Nguyên nhân
Có tới 65% các trường hợp kinh phong không có nguyên nhân rõ rệt. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:
- Chấn thương đầu làm tế bào não bị tổn thương.
- Thương tích não khi sinh đẻ hoặc do nóng sốt cao do nhiễm trùng.
- Trẻ em bị lắc mạnh, giằng co mạnh tay khiến não bị giao động.
- Một vài dược phẩm hay chất độc khi dùng với hàm lượng cao.
- Cản trở lưu thông máu tới não bộ như trong trường hợp tai biến động mạch não, u bướu hoặc một số bệnh tim mạch.
- Các bệnh làm tổn thương tế bào não.
Kinh phong hầu như không di truyền, không lây nhiễm, nhưng có thể do vài loại siêu vi trùng gây ra như trong bệnh viêm não và viêm màng não.
Với một số người bị kinh phong thì một tia chớp nhoáng, một tiếng động mạnh, sự thay đổi đột ngột từ tối ra sáng hay ngược lại, một vài món ăn thức uống bất thường, sự thiếu ngủ trầm trọng cũng có thể thúc đẩy cơn co giật.
Bệnh nhân tiểu đường nếu lượng đường xuống quá thấp khi dùng thuốc cũng có thể bị co giật, nhưng đây không phải là chứng kinh phong.
Chẩn đoán
Bệnh được chẩn đoán bằng bệnh sử, chụp quang tuyến CAT-Scan não bộ và điện não đồ, ghi những hoạt động điện năng của não trên biểu đồ. Phương pháp này dùng để phát hiện và xác định vị trí các cấu trúc bất thường trong não như u bướu, đồng thời cũng để chẩn đoán chứng động kinh.
Ðiều trị
Không có phương thức nào có thể chữa dứt chứng động kinh. Các dược phẩm chỉ có thể kiềm chế cơn co giật, giúp người bệnh có đời sống bình thường và có thể tham gia mọi sinh hoạt trong xã hội, ngay cả với hầu hết các môn thể dục, thể thao.
Người bệnh cần được tạo môi trường sống bình thường; giảm thiểu tối đa rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích thần kinh. Gia đình cần hỗ trợ và có thái độ thông cảm với bệnh nhân, tránh để họ có mặc cảm bệnh hoạn.
Bệnh thường được điều trị tại nhà. Chỉ các trường hợp bệnh nhân kém trí tuệ, phá phách, hung dữ mà thuốc không kiềm chế được mới phải cô lập.
Có nhiều loại thuốc chống co giật như Tegretol, Dilantin, Mysoline, Epival, Mogadon, Phenobarbital, Depakene, Zarontin, Neuroton, Lamictal, Sabril. Thường thường phải phối hợp vài loại thuốc để có công hiệu tốt hơn.
Cũng như bất cứ dược phẩm nào, thuốc chống co giật cũng có nhiều tác dụng phụ, thường gặp nhất là gây ngầy ngật, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nóng nảy, quá hiếu động.
Phụ nữ mang thai bị kinh phong nếu uống thuốc chống co giật có thể sinh con khuyết tật. Nhưng cho con bú thì không sao vì lượng thuốc trong sữa quá ít không đủ ảnh hưởng đến trẻ.
Việc lựa chọn thuốc sẽ tùy theo loại kinh phong, tuổi tác, sức khỏe chung của người bệnh và tác dụng phụ của thuốc. Nhiều khi phải thử một vài loại thuốc để xem thuốc nào thích hợp cho người bệnh. Thường có đến 50% bệnh nhân dùng thuốc sẽ hết bị co giật, 30% bớt cơn co giật và 20% thuốc không có tác dụng hoặc phải tăng hàm lượng.
Giải phẫu cũng được áp dụng khi dược phẩm không công hiệu và khi biết rõ vị trí nguyên nhân gây bệnh nằm ở một vùng nào đó của não. Giải phẫu sẽ không ảnh hưởng gì tới đời sống cũng như các chức năng của cơ thể.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp cấy tế bào mầm thần kinh để điều trị kinh phong. Hứa hẹn có nhiều triển vọng khả quan.
Cách xử trí khi lên cơn kinh phong
Có nhiều bằng chứng cho rằng nếu người bị kinh phong làm một công việc thích hợp thì ít bị cơn co giật hơn, nhưng nên tránh những công việc phải điều khiển các loại xe hay máy móc tự động.
Tại nhiều nước, người bệnh có thể được phép lái xe hơi nếu bác sĩ chứng nhận đã không bị cơn co giật trong vòng 1 năm.
Khi lên cơn, cần tránh để bệnh nhân bị thương tích. Loại bỏ các vật sắc bén gần bệnh nhân.
Ðặt bệnh nhân nằm nghiêng, có gối đầu để tránh hít vật lạ vào phổi; Nới rộng cổ áo cho dễ thở.
Cấp cứu nhẹ nhàng, tránh gây náo động, không trói cột bệnh nhân.
Ðừng cố nhét vật cứng vào miệng bệnh nhân; Nếu bệnh nhân mở miệng, có thể để vật mềm như chiếc khăn mặt nhỏ cuộn tròn vào khe hàm răng để tránh cắn vào lưỡi.
Khi cơn kinh phong đã qua, để bệnh nhân nằm nghỉ yên tĩnh.
Nếu nhiều cơn xảy ra liên tục thì phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu.