Tại sao ta chóng mặt?
Chóng mặt là một ảo giác, bệnh nhân cảm thấy chung quanh hoặc bản thân xoay tròn; khi nặng thường kèm theo nôn mửa và người bệnh có thể ngã khi đi. Đây là triệu chứng thường gặp của các bệnh tai trong và thần kinh trung ương.
Chóng mặt là sự rối loạn việc giữ thăng bằng cho cơ thể trong không gian. Cơ thể chúng ta được giữ thăng bằng nhờ các hệ thống: tai trong ghi nhận chuyển động lên xuống, qua lại của đầu; mắt phát hiện các chuyển động của cơ thể trong không gian; da lòng bàn chân ghi nhận áp lực tiếp xúc của cơ thể với mặt đất; các cơ, khớp xương ghi nhận chuyển động các chi và thân mình. Hệ thần kinh trung ương phối hợp tất cả các thông tin trên và cho chúng ta cảm giác về vị trí của mình trong không gian.
Triệu chứng chóng mặt xảy ra khi thần kinh trung ương nhận tín hiệu không đồng bộ của năm hệ thống trên. Thí dụ như bạn đang ở trên máy bay trong cơn bão, máy bay bị nhồi lên nhồi xuống trong khi mắt bạn nhìn quang cảnh trong máy bay nhưng không nhận ra có sự di chuyển nào, gây cảm giác chóng mặt. Hoặc bạn ngồi trong xe hơi đang di chuyển và đọc sách, khi đó hệ thống tai trong nhận biết có sự di chuyển nhưng mắt lại nhìn thấy trang sách cố định và sau một lúc, bạn sẽ có cảm giác chóng mặt.
Các vấn đề sức khỏe gây chóng mặt
1. Tuần hoàn: Rối loạn tuần hoàn não là nguyên nhân thường gặp nhất gây chóng mặt. Nếu máu lên nuôi não không đủ, bạn sẽ thấy choáng váng, giống như khi đang ngồi mà đứng dậy quá đột ngột. Hiện tượng thiếu máu não này thường do xơ mỡ động mạch. Nếu tai trong bị thiếu máu thì triệu chứng chóng mặt rất nặng nề, kèm nôn mửa.
Tình trạng chóng mặt do suy giảm tuần hoàn não thường gặp ở người cao tuổi có kèm theo xơ mỡ động mạch, được gọi là thiểu năng động mạch cột sống thân nền. Bệnh nhân có những cơn chóng mặt kèm theo buồn nôn, ù tai, xảy ra khi xoay đầu và thay đổi tư thế.
2. Chấn thương: Chấn thương vỡ nền sọ ảnh hưởng tới tai trong có thể gây chóng mặt, nôn mửa và điếc tai. Tình trạng chóng mặt sẽ kéo dài vài tuần rồi thuyên giảm do sự bù trừ của tai bên. Một số trường hợp chóng mặt sau chấn thương khi thay đổi tư thế, được gọi là chóng mặt kích phát lành tính theo tư thế.
3. Nhiễm trùng: Virus có thể gây viêm thần kinh tiền đình, là thần kinh phụ trách thăng bằng. Bệnh nhân sẽ bị chóng mặt rất nặng nhưng vẫn nghe bình thường. Viêm tai do vi trùng thì vừa gây chóng mặt vừa làm giảm thính lực. Trong những trường hợp này, chóng mặt thường kèm nôn mửa và mất thăng bằng.
4. Dị ứng: Một số người khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng như phấn hoa, thức ăn có thể bị chóng mặt.
5. Bệnh thần kinh: Một số bệnh thần kinh có thể gây chóng mặt như giang mai, u não. Đây là những nguyên nhân ít gặp.
6. Thuốc: Một số thuốc điều trị có thể gây chóng mặt như các thuốc điều trị lao, thuốc an thần...
7. Bệnh Meniere: Sự ứ dịch ở tai trong gây các cơn ù tai một bên, chóng mặt kèm theo nôn mửa và mất thăng bằng. Cơn chóng mặt kéo dài từ 20 phút tới 2 giờ, sau đó bệnh nhân có thể bị giảm thính lực một bên. Cơn có thể tái phát nhiều lần và bị ở cả hai tai. Sau một thời gian, bệnh nhân có thể bị giảm thính lực rất nặng. Có thể điều trị cơn chóng mặt Meniere với các thuốc chống nôn, chống chóng mặt như: Meclizine, Primperan, Tanganil... Bệnh nhân nên ăn nhạt, tránh dùng rượu, cà phê, thuốc lá.
Làm gì để giảm chóng mặt?
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, như đang nằm bỗng đứng nhanh dậy hoặc xoay nhanh sang hai bên.
- Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống, ngửa lên hoặc xoay qua hai bên.
- Tránh các chất có thể làm giảm tuần hoàn não như cà phê, thuốc lá, ăn mặn.
- Tránh những yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng.
- Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao.
Để tránh chóng mặt khi đi tàu xe, nên nhìn ra xa về phía trước, không đọc sách hay ngồi nhìn về phía sau, không nhìn hay nói chuyện với người khác đang bị chóng mặt, tránh các thức ăn có nhiều gia vị hay mùi quá mạnh. Có thể dùng các thuốc chống nôn mửa.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)