ÁC MỘNG VÀ CƠN KINH HOÀNG BAN ĐÊM
VŨ NGUYÊN KHIẾT
Gần đây tại dốc Vạn Kiếp, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có
một vụ trọng án rất rùng rợn. Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1965, chưa có tiền
án tiền sự, có một vợ 2 con gái nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi, gia đình yên ổn không
có mâu thuẫn gì. Thế nhưng đêm 28/2/1999, Thắng đang ngủ trên giường cùng
với vợ con, trong một cơn mê sảng dữ dội bỗng nhiên y vùng dậy vớ lấy con
dao nhọn đâm chết vợ và 2 con, rồi tự đâm vào bụng mình (Thắng được bệnh
viện Việt Đức cứu sống). Theo kết luận điều tra ban đầu của Công an thì
Nguyễn Văn Thắng gây án là do mắc bệnh tâm thần hoang tưởng.
Ngoài bệnh tâm thần gây án, báo chí nước ngoài còn nói đến những trường hợp
ác mộng và cơn kinh hoàng ban đêm (CKHBĐ). Ác mộng, nếu trong mơ họ làm
nhiều việc phức tạp mang tính chất hủy hoại thì người ta gọi là "CKHBĐ". Có
thể dẫn ra một số sự việc: Fran-xi-stô-oen, một công dân Anh trầm tĩnh, rụt
rè, trong cơn ác mộng mơ thấy thế nào đấy đã khiến ông ta giết và chặt chân
tay vợ. Tỉnh dậy, ông ta khiếp đảm quá đến nỗi mắc bệnh tâm thần. Cô Jô An
Ki-gơ, 16 tuổi, người Mỹ, nằm mơ thấy kẻ cướp vào nhà, liền vồ lấy súng bắn
nó, nhưng là bắn chết bố và em trai, bắn mẹ bị thương.
Tờ Khoa học và đời sống của Nga, đầu năm 1993, có kể một sự kiện: Tháng 8
năm 1985, tại thị trấn nhỏ Cay Terem nước Anh đã xảy ra một chuyện khủng
khiếp. Nhà doanh nghiệp trẻ Cô-lin Camp, 33 tuổi, hai giờ sau khi nằm ngủ đã
có một giấc mơ kinh khủng. Cô-lin mơ thấy đi qua một khu rừng rậm và gặp 2
người lính Nhật Bản tấn công ông ta. Cô-lin bỏ chạy và hai người Nhật đuổi
theo. Ông chạy được một quãng thì ngã xuống và kéo theo người Nhật cầm kiếm,
ông đè lên người lính ấy và lấy tay bóp chặt cổ anh ta. Trong khi ấy người
lính thứ hai nâng súng lên bắn vào ông, Cô-lin nhìn thấy khói tỏa ra từ nòng
súng và giật mình tỉnh cơn mơ. Ngủ bên cạnh Cô-lin là người vợ ông ta. Người
vợ như đang ngủ say bất động. Cô-lin cố gắng đánh thức vợ dậy, nhưng rồi
nhận ra là vợ đã chết. Chính Cô-lin đã bóp cổ vợ (chứ không phải lính Nhật)
đến chết. Mấy tháng sau tòa án đã đưa ra xử vụ này. Cô-lin Camp công nhận
việc ông ta đã làm, và xin tòa lượng thứ vì sự việc xảy ra trong ác mộng khi
ông không có ý thức. Giám định viên xác nhận là Cô-lin bị một giấc mơ quái
đản - CKHBĐ! Cô-lin Camp được tòa tha bổng.
Nhiều trường hợp tương tự cũng đã được mô tả trên một vài tờ báo phổ biến
khoa học Anh. Đương sự thường gặp những sự sợ hãi ghê gớm trong mơ và kết
thúc là tỉnh giấc. Cơn ác mộng này thường kéo dài từ 1-3 phút, tim đập dồn
dập, mạch rất nhanh (có khi tăng gấp đôi), thở hổn hển, toát mồ hôi, thét
lên và có những cử động đột ngột. Có người trong cơn ác mộng đã vùng đứng
dậy, hoặc bước xuống giường và chạy trong phòng, thậm chí gây án mạng. 5-10
phút sau họ tỉnh giấc hoàn toàn và hầu như không nhớ nội dung giấc mơ, hoặc
nhớ rất mơ hồ.
Nhìn chung CKHBĐ các cảnh bạo lực hay diễn ra. Người ta đã nghiên cứu phỏng
vấn các thanh niên Mỹ, cho thấy trong các cơn ác mộng có thể có mọi bạo lực
từ cảm giác khó chịu đối với ai đó trong mơ cho đến giết người. Hiện tượng
bạo lực có ở gần một nửa ác mộng. Nghiên cứu 1.000 ác mộng với gần 3.500
nhân vật, trong đó số bị giết chết trong mơ là 23, có nghĩa là 1 người trong
150 nhân vật bị giết.
Ở nhiều nước, ngộ sát trong CKHBĐ được xem là hành động không ý thức - đó
là hành động không chịu ảnh hưởng của lý trí và được miễn tội. Nhưng có
nhiều người lo rằng có kẻ lợi dụng điều dễ dãi đó của pháp luật để thanh
toán người thù ghét vào ban đêm. Tất nhiên để tránh việc lạm dụng, y học
phải xem xét kỹ từng trường hợp như nghiên cứu tâm sinh lý người ngộ sát,
điện tâm đồ, điện não đồ, biên đồ hô hấp và hành vi trong mơ... được quan
sát ghi lại trong nhiều đêm. Các dữ liệu đó được cung cấp cho Ban điều tra
và Tòa án để phán quyết.