Suy giảm trí nhớ sẽ dẫn đến sa sút trí tuệ
Hậu quả cuối cùng của căn bệnh sa sút trí nhớ là trí tuệ cũng suy giảm, tuy nhiên, bệnh ít được quan tâm tại các nước đang phát triển, do xuất phát từ quan điểm sai lầm cho rằng tuổi già là phải quên, phải lẫn. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người cao tuổi.
Tại hội thảo khoa học về sa sút trí tuệ tổ chức vào cuối tuần qua tại TP HCM, tiến sĩ Vũ Anh Nhị, Chủ nhiệm bộ môn Thần kinh - Đại học Y dược TP HCM, nhấn mạnh việc lơ là của gia đình có thể đẩy bệnh nhân đến tình trạng bị cô lập.
Sa sút trí nhớ có thể được phát hiện sớm qua các dấu hiệu như than phiền về trí nhớ; trí nhớ giảm so với tuổi… Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân không được chú ý kịp thời, cả từ phía gia đình, thầy thuốc và bản thân người cao tuổi. Bác sĩ Nhị cho biết, nếu không được điều trị sớm bệnh có thể tiến triển nặng thành sa sút trí tuệ.
Theo các nghiên cứu nước ngoài, khoảng 50% trường hợp suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ trong ba năm sau đó; 15% trong vòng 1 năm. Bệnh nhân sa sút trí tuệ sẽ mất khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy trừu tượng. Mức độ sa sút này đủ nhiều để có thể ảnh hưởng xấu đến các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
Một số nghiên cứu sơ bộ cũng cho thấy có thể điều trị và phòng ngừa bệnh này bằng các yếu tố dinh dưỡng thần kinh, thuốc chống viêm không steroid, vitamin E, galantamin (hoạt chất được tìm thấy trong loài hoa Giọt tuyết được các nước châu Âu sử dụng như một loại thuốc dân gian)… Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý ngoài việc điều trị bằng thuốc, thầy thuốc và gia đình bệnh nhân còn cần phải quan tâm đến nhiều biện pháp tâm lý xã hội khác, thường xuyên hoạt động trí não, tập thể dục, tránh uống rượu, giảm muối, và có chế độ ăn nhiều trái cây, chất xơ, rau cải…
T.P.