CHÓNG MẶT - CHỨNG BỆNH THƯỜNG GẶP NHƯNG KHÓ
CHỮA
GS. NGUYỄN ĐÌNH BẢNG
Chóng mặt không phải
là một bệnh, mà là triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Vì chỉ
là ảo giác, nên mỗi người bệnh mô tả một cách khác nhau, người thì bảo chóng
mặt như ngồi thuyền, tròng trành chao qua lắc lại, như sắp té ngã, tuy người
vẫn thăng bằng, nhưng vẫn sợ, hai tay phải bám chặt lấy thành giường; có
người thấy mình xoay tròn, chơi vơi; có khi lại thấy mọi vật xung quanh xoay
tròn. Cảm giác chóng mặt có khi chỉ thoáng qua vài phút rồi trở lại bình
thường; có khi thành cơn thực sự kéo dài từ vài phút đến hàng giờ hoặc vài
ngày liền, hoặc có khi cả tháng. Chóng mặt từng đợt, nhiều năm liền, ngày
càng nặng. Tuy không chết người, song chóng mặt ảnh hưởng thực sự tới đời
sống tinh thần, nghề nghiệp, xã hội, làm người bệnh rất khổ sở, luôn lo âu
bồn chồn.
HỆ THỐNG GIỮ THẮNG
BẲNG CỦA CƠ THỂ
Hệ thống giữ thăng bằng
gồm 2 phần. Trước hết là bộ phận cảm nhận vị thế của cơ thể . Bộ phận này
gồm 3 cơ quan tham gia:
1. Thị giác
Nhờ mắt quan sát mọi vật
xung quanh nên đã cảm nhận được tư thế của cơ thể, phối hợp cùng tiền đình,
giúp tri giác trung ương điều chỉnh cơ thể cho thăng bằng.
2. Cơ quan cảm thụ bản
thể (Proprioceptive system)
Bao gồm các cảm giác nông
ở da, nhất là da bàn chân; và các cảm giác sâu (hệ cơ, gân, khớp, nhất là
của cổ và gáy).
3. Tiền đình:
Đây là bộ phận cảm nhận
chủ yếu, cung cấp các thông tin lên não để xử lý, điều chỉnh sự thăng bằng.
TẠI SAO LẠI BỊ CHÓNG
MÂT?
Ở người bình thường, khi
cơ thể xoay vòng theo một chiều nào đó thì ống bán khuyên tương ứng với mặt
phẳng không gian đó bị kích thích. Nước trong ống bán khuyên (nội dịch) di
chuyển theo chiều ngược lại với chiều chuyển động, tác động lên mào bóng,
nơi có các tế bào thần kinh tiền đình bóng bị kích thích, nó chuyển các tín
hiệu dưới dạng xung thần kinh lên não. Khi cơ thể đứng yên tại chỗ hoặc
chuyển động theo đường thẳng nằm ngang, thì các tế bào thăng bằng tại dát
thần kinh (utricle & saccuke maculas) bị các hạt sạn nhỏ (calcium carbonate
cristals) xô dồn về một phía, chà xát lên đầu các sợi lông của tế bào thần
kinh này, kích thích tạo nên các xung thần kinh truyền lên não. Các tín hiệu
của cả 2 bên tai được truyền lên các nhân tiền đình ở cuống não, tiểu não,
truyền lên não. Tại đây não phân tích, tổng hợp, để có cảm nhận về trạng
thái cơ thể, sau đó điều hành hệ thống gân, xương , khớp ở cổ, thân mình và
chân tay sao cho cơ thể giữ được thăng bằng.
Bình thường thì như vậy,
song nếu bộ phận tiền đình ngoại biên từ tai đưa lên não những thông tin sai
lệch, hoặc não xử lý không đúng, sẽ tạo nên ảo giác, nhiễu loạn sự định
hướng trong không gian sẽ làm người bệnh chóng mặt.
Người bình thường, đứng
trên sàn nhà, cơ thể thăng bằng. Nếu nghiêng ván nhà lên, cơ thể được điều
chỉnh tư thế cho vững. Nếu di chuyển trên đường thẳng, cơ thể cũng điều
chỉnh tư thế thích hợp, nhờ bộ phận điều chỉnh thăng bằng.
CHẪN ĐOÁN
Khi bị chóng mặt, nên đến
bác sĩ Tai Mũi Họng để tìm nguyên nhân. Bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh sử tỉ mỉ,
thăm khám toàn diện. Nếu cần, sẽ được làm các xét nghiệm về thăng bằng, khảo
sát tiền đình, đo điện động mắt, đo thính lực, chụp CT não. Tùy từng nguyên
nhân mà cách chữa trị sẽ khác nhau. Có khi chữa khá đơn giản, nhưng nhiều
khi phức tạp chữa rất dai dẳng không dứt.
ĐIỀU TRỊ
Hiện nay, theo thống kê,
có trên 100 bệnh có thể gây chóng mặt. Do đó, tại các phòng khám bệnh, thầy
thuốc phải thăm khám kỹ, cân nhắc để xác định hướng điều trị. Trước hết là
chữa triệu chứng cho dịu cơn chóng mặt đi. Hiện nay, có nhiều loại thuốc
chữa chóng mặt khác nhau dựa trên cơ chế sinh bệnh khác nhau gây chóng mặt.
Thuốc thường được dùng trước hết là làm giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, chống
thiếu máu cục bộ:
1. Flunarizine
(Sibelium)
Nhờ tác dụng ức chế luồng
ion calci xâm nhập qua màng hồng cầu, nên hồng cầu vẫn còn khả năng thay đổi
hình dạng để lách qua chỗ nghẽn hẹp trong lòng mạch máu tới nuôi dưỡng được
các nơi thiếu máu, nhờ đó các tế bào thần kinh tiền đình hoặc não vẫn được
tiếp tế đầy đủ lượng oxy cần thiết để duy trì hoạt động sinh lý bình thường.
2. Cinarizine
(Stugeron):
Chống chóng mặt có hiệu
quả trên cơ sở làm giảm co thắt cơ trơn do nhiều chất hoạt mạch gây ra. Nhờ
vậy, bảo vệ được thần kinh tiền đình và tế bào não trong trường hợp giảm oxy
trong máu. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng phòng ngừa say sóng, say tàu xe.
3. Betahistidine
Chlorhydrate
Thuốc có tác dụng làm
giãn các cơ vòng trước mao mạch giúp cho tuần hoàn mê nhĩ được tốt.
4. Trimetazidine
Chlorhydrate
Duy trì sự chuyển hóa
năng lượng ở các tế bào thần kinh giác quan trong trường hợp thiếu máu,
thiếu oxy.
5. Ngoài ra, còn một số thuốc khác như Ginkgo
biloba, Piracetam, thuốc an thần, kháng Histamine, kháng tiết Choline,...
ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA
Trong thập niên 70, người
ta nói đến nhiều, nhưng cho đến nay kết quả ghi nhận được rất hạn chế. Chỉ
một số tổn thương thực thể được xác định chắc chắn làm mới có kết quả .
Những trường hợp chóng mặt dữ dội gây tàn phế người ta mới cân nhắc việc mổ
xẻ.