CHUYÊN MỤC: TRÍ NHỚ CỦA BẠN
Để giúp quý độc giả có kiến thức tổng quát theo dõi những vấn đề của trí nhớ, chuyên mục của chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của thạc sĩ y khoa Cao Phi Phong - Bộ môn Nội thần kinh - Đại học Y Dược TPHCM.
RỐI LOẠN TRÍ NHỚ
Trí nhớ là khả năng ghi lại tồn trữ và chủ yếu là lấy lại các thông tin, nói cách khác trí nhớ là giữ lại kinh nghiệm đã học được bao hàm mọi hoạt động tâm trí... Trí nhớ có thể chia nhiều thành phần: (1) Ghi lại bao gồm những gì tri giác được: (2) Tổng hợp trí nhớ là giữ lại; (3) Nhớ lại và tái hiện.
Các rối loạn trí nhớ
1. Sự giảm nhớ: Khả năng nhớ lại bị sút giảm cả những việc mới xảy ra hay đã cũ.
2. Quên: Quên toàn bộ hay quên từng phần: Quên toàn bộ bao gồm tất cả những việc mới cũng như đã cũ - Quên từng phần là quên một số sự kiện như quên một số kỷ niệm.
- Quên thuận chiều (quên gần): Quên những sự việc xảy ra ngay sau bệnh, thời gian từ vài giờ đến vài tuần.
- Quên ngược chiều (quên xa): Quên những sự việc xảy ra trước bệnh có thể vài ngày đến vài tháng.
- Quên trong cơn: Quên sự việc xảy ra trong cơn như cơn vắng ý thức.
- Quên do ghi nhận kém và nhớ lại kém: Quên do ghi nhận kém là quên gần, không nhớ những gì mới xảy ra, quên do nhớ lại kém là quên xa, quên những sự việc về trước.
- Quên tiến triển: Quên tăng dần theo thời gian, sự việc mới quên trước sự việc cũ quên sau.
3. Loạn nhớ: Bao gồm nhớ nhầm nhớ những việc của người khác là của mình hay sự việc có thật trong cuộc sống trong một thời gian này lại nhớ vào thời gian khác, hay quên các sự việc xảy ra và thay vào đó là sự việc không hề xảy ra.
4. Tăng nhớ: Nhớ lại sự việc rất cũ, không có ý nghĩa hay các chi tiết vụn vặt.
Nguyên nhân rối loạn trí nhớ
Trí nhớ gần và khả năng tạo ra trí nhớ mới bị giảm trầm trọng thường xảy ra do thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, chấn thương, viêm não do virus, do thiếu Vitamin B1 hoặc u tân sinh.
Mất trí nhớ xa và mất trí nhớ sau chấn thương do sự gián đoạn chức năng hệ viền liên quan đến sự lưu trữ và nhớ lại.
Các nguyên nhân quan trọng mất trí nhớ nặng bao gồm sa sút trí tuệ do tuổi tác, thiếu máu cục bộ, chấn thương nặng ở đầu, suy dinh dưỡng, nghiện rượu và nhiễm độc thuốc.
Khi rối loạn khả năng tri giác và sự chú ý có thể dẫn đến không học được, tư liệu học ghi lại và đồng hóa do đó mất trí nhớ. Trong hội chứng Kosacoff (thường gặp 80% bệnh nhân bị bệnh não Wernicke do ăn uống thiếu Vitamin B1 và nghiện rượu nặng) tư liệu mới trình bày có thể được ghi nhớ nhất thời nhưng không thể giữ lâu quá vài phút luôn luôn kết hợp suy giảm nhớ lại và tái hiện tri nhớ đã hình thành ít ngày trước đó hoặc vài năm trước khi bệnh khởi phát.
* Ý kiến của quý độc giả xin gửi về:
1. Tòa soạn Báo Sức Khỏe & Đời Sống
2. VPĐDTT Beaufour Ipsen International - 104 CX. Nguyễn Văn Trỗi, Q. PN, TPHCM.