Rượu và những rối loạn giấc ngủ
Uống rượu không giúp ngủ dễ như nhiều người vẫn tưởng mà còn có thể gây ra những rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, sự phối hợp giữa rượu, chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ và chứng ngáy sẽ làm tăng nguy cơ bị các cơn đau tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và đột tử.
Giấc ngủ bình thường được chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn ngủ không có hiện tượng mắt chuyển động nhanh (NREM) chiếm 75% toàn bộ giấc ngủ. Đây là giai đoạn ngủ tương đối yên bình.
- Giai đoạn ngủ có hiện tượng mắt chuyển động nhanh (REM), còn gọi là giai đoạn giấc ngủ nghịch, thường chiếm 25% giấc ngủ. Trong đó, mắt bệnh nhân có sự di chuyển qua lại, các thông số về mạch, huyết áp và hô hấp đều cao hơn giai đoạn NREM nhiều. Đặc điểm nổi bật nhất là các giấc mơ. 60-90% bệnh nhân nếu chợt thức giấc trong giai đoạn này đều có khả năng nhớ lại các giấc mơ đang xảy ra. Giấc ngủ REM xuất hiện thành cơn, kéo dài 5-30 phút và xuất hiện lại sau khoảng 90 phút. Giấc ngủ này rất quan trọng đối với sức khỏe. Những thí nghiệm ở chuột cho thấy, nếu thiếu giấc ngủ REM, chuột có thể chết sau vài tuần.
Rượu được uống trong vòng 1 giờ trước khi ngủ có thể khiến người uống đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, nó lại phá vỡ trình tự diễn biến và giảm thời gian 2 giai đoạn sinh lý của giấc ngủ. Nửa giấc ngủ cuối sẽ bị xáo trộn, giấc ngủ thì chập chờn, người ngủ hay tỉnh giấc bởi những giấc mơ và rất khó ngủ lại.
Vài nghiên cứu đã chứng minh, việc uống rượu vào khoảng 6 giờ trước khi đi ngủ cũng có thể gây tăng số lần thức giấc ở nửa giấc ngủ cuối. Nếu dùng rượu trước khi ngủ trong thời gian dài thì hiệu quả an thần sẽ giảm, trong khi tác động gây xáo trộn giấc ngủ ngày càng tăng.
Rối loạn giấc ngủ kiểu này thường gây ra mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày. Điều này đặc biệt dễ xảy ra ở người già vì với cùng một lượng rượu được đưa vào cơ thể, nồng độ rượu trong máu và não của họ lại cao hơn nhiều so với những người trẻ.
Hội chứng cai rượu
Để phục hồi nhịp ngủ bình thường, người nghiện rượu cần cai rượu và kiên trì chịu đựng những phiền toái, khó chịu do hội chứng cai mang lại. Hội chứng này xuất hiện khi một người nghiện nặng đột ngột ngừng uống và bao gồm các triệu chứng:
- Giảm nửa giấc ngủ đầu, dẫn tới mất ngủ nặng.
- Tăng nửa giấc ngủ cuối, dẫn tới một số dạng ảo giác.
- Thức giấc nhiều lần vào ban đêm và rất mệt mỏi vào ban ngày.
Những triệu chứng này có thể vẫn hành hạ người ta sau nhiều năm kiêng rượu. Do không chịu được tình trạng này, nhiều người đã uống rượu trở lại để dễ ngủ hơn. Họ nhận thấy việc này làm tăng thời gian ngủ và giảm số lần thức giấc ban đêm. Tưởng rằng rượu có thể cải thiện giấc ngủ, họ tiếp tục lạm dụng thứ đồ uống nguy hiểm này và sẽ tái nghiện. Kết quả là giấc ngủ của họ sẽ lại bị xáo trộn như trước. Việc cai rượu phải được duy trì trong nhiều năm thì mới có kết quả.
Rượu và các rối loạn hô hấp
Những người nghiện rượu dễ bị ngừng thở khi ngủ, nhất là khi họ ngáy. Ngoài ra, việc uống một lượng rượu từ trung bình đến nhiều vào buổi tối có thể gây hẹp đường hô hấp trên và gây nhiều đợt ngừng thở ngay cả ở những người chưa có dấu hiệu của chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ. Đối với những người đã mắc chứng này, rượu có thể làm tăng thời gian ngừng thở, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý.
Ở các bệnh nhân bị chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ, việc uống rượu sẽ làm tăng gấp 5 lần nguy cơ đụng xe (do mệt mỏi) so với bệnh nhân không uống hay uống rất ít.
BS Lê Quốc Nam, NLĐ