TRUNG - TÂY Y HỐI THÔNG VỀ ĐAU THẦN KINH TỌA - TỌA ĐỒN PHONG (TỌA ĐIẾN PHONG)
Tác giả : TTƯT. BS. TRẦN VĂN BẢN (Tổng Thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam)
Đau thần kinh tọa là một trong những chứng đau rễ thắt lưng L5 và rễ cùng S1 lan theo hướng đi của dây thần kinh hông
.Nguyên nhân đau thần kinh tọa rất phong phú và thường gặp ở vùng thắt lưng. Nguyên nhân hay được nhắc đến nhất là đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm đã mở rộng phạm vi điều trị phẫu thuật và thu hẹp phạm vi chẩn đoán đau thần kinh tọa do thấp
.QUAN ĐIỂM CỦA Y HỌC HIỆN ĐẠI VỀ ĐAU THẦN KINH TỌA
1. Chẩn đoán
Trên lâm sàng, tùy theo rễ L5 hay S1 bị tổn thương sẽ có đau và rối loạn cảm giác theo khu vực chi phối của rễ.
Đau:
- Đau là triệu chứng nổi bật, có thể đau từ mông, nhưng thường gặp là đau ở lưng lan xuống mông, đau lan theo đường đi của hai dây thần kinh hông. Đau thường xảy ra sau khi gắng sức, khi bệnh nhân nâng các vật nặng, thấy đau nhói ở lưng và phải ngừng làm việc. Sau đó vẫn tiếp tục đau dù bệnh nhân vẫn có thể đi lại và vận động nhẹ nhàng. Tuy nhiên vài ngày hoặc ít tuần lễ sau, đau sẽ lan truyền xuống theo đường đi của dây thần kinh.
- Nếu đau dây thần kinh hông khoeo ngoài (L5): Đau vùng thắt lưng lan xuống mặt sau ngoài đùi, xuống trước mặt cẳng chân, tận cùng ở ngón cái và ngón áp cái.
- Nếu đau dây thần kinh hông khoeo trong (S1): Đau vùng thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, xuống mặt sau cẳng chân, gót chân và tận cùng ngón chân cái.
- Cường độ đau: Đau có khi âm ỉ nhưng thường dữ dội, tăng lên khi ho, hắt hơi; giảm khi nằm trên giường cứng và để gối gấp cho chân hơi co.
- Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân có cảm giác tê bì, kiến bò hoặc như kim châm ở bờ ngoài bàn chân, chéo ngang qua mu chân tới ngón chân cái (nếu tổn thương L5); hoặc ở mắt cá ngoài, gan bàn chân tới ngón út (nếu tổn thương S1).
2. Phương pháp điều trị
a. Điều trị nguyên nhân: Tùy theo từng nguyên nhân mà điều trị.
b. Điều trị triệu chứng:
- Nghỉ ngơi, nằm trên giường cứng, tránh đi lại nhiều, tránh lạnh.
- Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ.
- Các phương pháp vật lý: Chườm nóng, xoa bóp, ấn huyệt, chạy điện, sóng ngắn, tia hồng ngoại...
- Phẫu thuật: Chỉ định với thoát vị đĩa đệm.
QUAN ĐIỂM Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ ĐAU THẦN KINH TỌA
Đau thần kinh tọa thuộc phạm vi chứng tý, y học cổ truyền gọi là Tọa điến phong, tọa cốt phong...
Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân như phong, hàn, thấp xâm nhập hoặc do can thận âm hư lâu ngày, chính khí suy giảm, cân cơ bị yếu, ngoại tà xâm phạm.
Y học cổ truyền chia đau thần kinh tọa làm 4 thể:
1. Thể phong hàn thấp
Triệu chứng: Đau ngang thắt lưng lan xuống mông và bàn chân, đi lại vận động đau. Thời tiết lạnh sẽ làm cơn đau tăng lên, trong người sợ lạnh, da lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù trì.
Phép điều trị: Khu phong, tán hàn, hành khí hoạt huyết.
Bài thuốc: Can khương thương truật linh phụ thang gia giảm.
Can khương 4g; Đương quy 12g; Thương truật 8g; Xuyên khung 8g; Bạch linh 12g; Bạch chỉ 12g; Cam thảo 4g; Phụ tử chế 4g.
Cách bào chế: Các vị trên + 1.500ml nước, sắc lọc bỏ bã, lấy 150ml.
Cách dùng: Uống ấm, chia đều 4 lần trong ngày.
2. Thể thấp nhiệt
Triệu chứng: Đau buốt từ mông xuống gót chân, có điểm đau, đau nhức như kim châm, có sốt, rêu lưỡi vàng, mạch sác.
Phép điều trị: Thanh nhiệt, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.
Bài thuốc: Ý dĩ nhân thang + Nhị diệu thang gia giảm.
Khương hoạt 12g; Cam thảo 4g; Độc hoạt 12g; Ngưu tất 12g; Phòng phong 10g; Thương truật 12g; Ý dĩ 12g; Hoàng bá 12g; Đương quy 12g.
Cách bào chế: Các vị trên + 1.500ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml.
Cách dùng: Uống ấm, chia đều 4 lần trong ngày.
3. Thể huyết ứ
Triệu chứng: Đau từ mông đến gót chân, đau dữ dội ở một điểm, đột ngột lan xuống hai chân.
Phéùp điều trị: Tán ứ, hành khí, hoạt huyết.
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia giảm.
Sinh địa 16g; Đào nhân 8g; Xích thược 12g; Hồng hoa 4g; Xuyên khung 12g; Đương quy 12g.
Cách bào chế: Các vị trên + 1.500ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml.
Cách dùng: Uống ấm, chia đều 4 lần trong ngày
.4. Thể can thận âm hư
Triệu chứng: Đau âm ỉ ngang thắt lưng lan xuống mông, chân, lưng, đau nhiều, hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, ăn ngủ kém, mạch trầm nhược.
Phép điều trị: Khu phong, trừ thấp, bổ can thận, kiện tỳ, thông kinh lạc.
Bài thuốc: Độc hoạt tang ký sinh gia giảm.
Độc hoạt 12g; Quế chi 4g; Đẳng sâm 12g; Phòng phong 10g; Sinh địa 16g; Phục linh 12g; Tang ký sinh 12g; Bạch thược 12g; Cam thảo 4g; Tế tân 4g; Xuyên khung 10g; Ngưu tất 12g; Tần giao 12g; Đương quy 12g; Đỗ trọng 10g.
Cách bào chế: Các vị trên + 1.900ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml.
Cách dùng: Uống ấm, chia đều 4 lần trong ngày.
Chú thích ảnh: Đỗ trọng.