Bệnh đau nửa đầu Migraine
Loại bệnh này khá phổ biến, chiếm hơn 6% dân số, thường gặp hơn ở phụ nữ và có tính chất gia đình. Bệnh có thể kèm theo nôn mửa và mù mắt tạm thời.
Migraine thường xuất hiện do một số yếu tố khởi phát như stress, âu lo, buồn phiền, thay đổi thời tiết, sắp đến ngày hành kinh, dùng thuốc ngừa thai, rượu, chocolate... Bệnh hay gặp hơn ở tuổi dậy thì và tiền mãn kinh nhưng lại hiếm thấy trong lúc đang mang thai hay khi đã mãn kinh hẳn.
Bệnh Migraine có liên quan nhiều đến các nội tiết tố nữ. Do đó, cả những người chuyển giới tính từ nam thành nữ cũng hay bị bệnh này (26-40%) do sử dụng nhiều oestrogen.
Về cơ chế sinh bệnh của Migraine, hiện vẫn có nhiều bàn cãi. Dù là theo cơ chế nào thì người bệnh vẫn có cơn đau ở một bên đầu (ít khi cả hai bên), hay gặp nhiều vào buổi sáng hoặc buổi tối. Thường là cơn đau dữ dội buộc người bệnh phải ngừng ngay mọi công việc, đau tăng lên khi gắng sức hay có ánh sáng, tiếng ồn; đau cùng với nhịp mạch đập và lan từ vùng chẩm ra phía trước, đặc biệt là ở vùng hốc mắt.
Kèm theo với đau đầu là buồn nôn hay nôn mửa, thay đổi tính khí (thường cáu gắt, khó tập trung suy nghĩ, khó nhớ) và cảm giác đầu trống rỗng, rối loạn vận mạch vùng mặt và đau ở động mạch thái dương cùng phía. Các cơn đau thường xuất hiện thành những cơn kịch phát, có các chu kỳ khác nhau - thời gian đau cũng thay đổi tùy từng người và tùy lúc, nhưng ra khỏi cơn thì thấy hoàn toàn hết đau.
Có một thể bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất điển hình của Migraine là hiện tượng Aura, gồm:
- Aura thị giác: Mắt thấy lấp lánh như đom đóm xuất hiện ở vùng nhìn trung tâm, sau lan rộng ra ngoại vi và thị trường di chuyển chậm, có hình gãy khúc, có thể có ảo giác... kéo dài trong 5-30 phút.
- Aura cảm giác: Dị cảm tăng dần ở một bên tay và miệng, có cảm giác như kiến bò, dòng điện chạy... và hay lặp lại.
- Aura ngôn ngữ: Xuất hiện nói khó hay mất ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, nói những câu vô nghĩa...
- Aura vận động: Liệt khu trú ở mức độ nhẹ và thoáng qua, yếu ở ngọn chi hơn gốc chi, đôi khi yếu cả nửa người.
Ngoài những rối loạn trên, đôi lúc bệnh nhân còn rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiền đình và rối loạn tâm thần. Trên thực tế còn gặp cả những người có các biểu hiện Aura nhưng không đau đầu.
Về điều trị, chủ yếu là tìm cách dự phòng không cho cơn xảy ra tiếp theo. Trong lúc đang có cơn đau thì có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường, nhóm chống viêm giảm đau không steroid (Paracetamol, Efferalgan, Ibuprophen, Alaxan...), các thuốc giãn mạch và tăng tuần hoàn não và sử dụng các dẫn xuất của Ergotamin (thuốc điều trị đặc hiệu).
Để phòng cơn, có thể dùng hằng ngày Dihydroergotamine 9 mg/ngày (hay Tamik 2 - 3 viên/ngày) chia đều 3 lần, kèm các thuốc chống tác dụng của serotonin và các thuốc ức chế.
Các thuốc để điều trị Migraine đều thuộc loại nguy hiểm và hay có các tác dụng phụ nên phải dùng dưới sự hướng dẫn và theo dõi kỹ của bác sĩ. Không nên tự mua dùng vì có thể gây hại cho bản thân.
(Theo Thanh Niên)