Các rối loạn sau chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não thường để lại di chứng nặng nề, trong đó có rối loạn tâm thần với các hội chứng chính: suy nhược, suy não, động kinh và sa sút.
Suy nhược sau chấn thương là một hội chứng khá phổ biến, chiếm 50-70% tổng số trường hợp chấn thương sọ não. Biểu hiện chủ yếu là đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ, suy giảm chú ý chủ động. Cảm xúc không ổn định, dễ xúc động, giận dữ, mệt mỏi thường xuyên, các phản ứng cảm xúc thường quá mức, không phù hợp với cường độ và đặc điểm kích thích.
Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật khá đa dạng, chẳng hạn như ra nhiều mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp dao động, làm việc chóng mệt mỏi. Biểu hiện khác là dễ phản ứng với sự thay đổi thời tiết, thay đổi áp lực không khí của môi trường; mẫn cảm với rượu. Khám thần kinh thấy tăng phản xạ gân xương, run tay...
Suy nhược sau chấn thương hay dao động về cường độ; xen kẽ thời kỳ bệnh ổn định là các thời kỳ bệnh tiến triển xấu do ảnh hưởng của các căng thẳng cảm xúc, lao động quá mệt nhọc, dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn và một số bệnh khác.
Hội chứng suy não sau chấn thương thường có biểu hiện rối loạn tâm thần và thần kinh rõ ràng hơn so với hội chứng suy nhược. Bệnh nhân có thể la hét, vật vã hoặc diễn lại tình huống chấn thương, tình huống chiến đấu (đối với thương binh). Các triệu chứng này thường gặp trong năm đầu của chấn thương, về sau thì mất hẳn.
Trạng thái mệt mỏi xảy ra thường xuyên và không mất đi sau nghỉ ngơi. Bệnh nhân giảm sút trí nhớ, khó nhớ các kiến thức mới, tư duy kém linh hoạt và nghèo nàn; cảm xúc thường biến đổi, không ổn định, dễ bùng nổ; không tự kiềm chế bản thân, dễ tấn công người khác, hay mâu thuẫn, kiện cáo... Ngược lại, có người ở trạng thái vô cảm như lờ đờ, chậm chạp, thiếu chủ động.
Suy não sau chấn thương sẽ nặng nề hơn khi gặp một số yếu tố không thuận lợi về cảm xúc, tinh thần, lao động quá mệt nhọc, bị bệnh nhiễm khuẩn, uống rượu...
Động kinh sau chấn thương chiếm tỷ lệ 4-5% các ca chấn thương sọ não; nếu là các vết thương chiến tranh thì tỷ lệ này tăng lên 30%. Động kinh có thể xuất hiện sau chấn thương rất sớm từ vài giờ, vài ngày hoặc có thể từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng thường xuất hiện trong vòng 2 năm sau chấn thương (80%). Động kinh sau chấn thương thường là động kinh cục bộ; nếu là toàn thể thường cũng bắt đầu bằng cơn cục bộ. Cơn có thể bắt đầu bằng hiện tượng giống rối loạn phân ly; trong cơn, ý thức bệnh nhân không mất hoàn toàn, dễ có hành vi hung bạo, nguy hiểm, nhưng kết thúc bằng cơn co giật, mất ý thức.
Trong hội chứng sa sút sau chấn thương, bệnh nhân mất trí nhớ toàn bộ, trí năng giảm sút rõ rệt, mất khả năng phê phán, lao động trí óc, chỉ còn có thể làm được một số công việc chân tay đơn giản không đòi hỏi kỹ thuật cao. Một số bệnh nhân khác tiến triển rất nặng, chỉ còn các hoạt động bản năng, hết khả năng tự phục vụ.
Ngoài ra, bênh nhân sau chấn thương sọ não còn có thể gặp một số rối loạn: có triệu chứng giống tâm thần phân liệt, hội chứng Paranoid, có ý tưởng bị theo dõi hoặc ghen tuông; hoang tưởng; hay bị thay đổi nhân cách; một số còn có thể tự sát.
TS Cao Tiến Đức, Sức Khỏe & Đời Sống