Nhức Đầu (Đầu Thống)
BS. Bùi Văn Thọ
Nhức đầu, váng đầu, một triệu chứng thông thường đã quá quen thuộc trong quần chúng ngày nay.
Riêng nước Pháp, qua báo chí y khoa gần đây, thì tỉ lệ chiếm tới 6% giới nam, 18% giới nữ, vào lớp tuổi 30 đến 50, mắc phải chứng này. Ngược lại quan niệm trước đây, tuổi còn thơ ấu cũng không tránh khỏi, tỉ lệ đặt tới từ 4% đến 10%. Một thống kê khác mới đây cho hay có đến 15% trẻ em các lớp tiểu học mắc phải mà đa số là con gái. Với nhịp độ ngày càng gia tăng đã gây nhiều chấn động không những trong giới y khoa, vì chưa tìm được giải pháp nào khả dĩ ngăn chận, mà còn về mặt kinh tế quốc gia nữa với sự hao hụt công quỹ đáng ngại. Thật vậy, sự tổn phí cho công quỹ gần năm tỉ quan Pháp mỗi năm, và theo các báo chí y khoa nói trên thì hiện có đến bảy triệu người Pháp mắc phải chứng nhức đầu. Bên kia bờ Đại Tây Dương (Hoa Kỳ) cũng không kém, có đến sáu triệu người mắcphải chứng nhức đầu, làm hao hụt công ăn việc làm mà ước lượng của chánh quyền bên ấy cho hay có đến sáu tỉ tư dollars mỗi năm thâm thụt. Con số được đưa ra là có đến ba mươi sáu triệu ngày nghỉ việc mỗi năm vì chứng bệnh này được gọi đó là bệnh của thế kỷ hai mươi. Một chứng bệnh mà trong giới y khoa Tây "u mô tả như một loại bệnh "phế tật" (invalidante). Thuốc men ở các nước tân tiến bên này chẳng bao giờ thiếu, là nơi đại kỹ nghệ "u dược, chẳng mấy khi khan hiếm và rất công hiệu, nhưng vẫn theo lời tờ báo đó thì không có loại thuốc nào để diệt trừ cả. Các giới trọng trách đã tỏ ra lo ngại trước tầm quan trọng của nó trên lãnh vực sức khỏe của đại chúng đã thúc đẩy nhiều cơ quan cho huy động tất cả các giới, trên mọi lãnh vực, Y sĩ cũng như người bệnh, khuyến khích tìm hiểu căn nguyên và đẩy sâu công cuộc sưu tầm phát triển y khoa hầu mong tìm được phương cách điều trị hữu hiệu. Cho thấy phong trào đang chủ tâm phát huy mạnh.
Nhức đầu, Đầu thống có nghĩa là gì?
Đầu thống được mô tả là cơn đau đầu dữ dội, thường đau một nửa bên đầu, chiếm một bên mắt và thái dương, cơn đau đến từng hồi và kèm theo là lợm giọng buồn nôn, có khi đến ói mửa, mắt hoa, tai ù, sợ ánh sáng, lánh tiếng động, tiếp theo đó là tình trạng mệt mỏi, gân cốt nhức đau, bần thần dã dượi. Sau khi cơn đau chấm dứt, người bệnh trở lại đời sống bình thường như không có gì xẩy ra cả.
Nguyên nhân của chứng nhức đầu?
Theo giải thích bên Tây phương thì nguyên nhân của chứng này cho đến nay chưa được định rõ, tuy nhiên có rất nhiều yếu tố để gây nên chứng nhức đầu, thí dụ: chấn sang đầu não, đau mắt, đau khớp cổ, cơ bắp cổ căng thẳng, tâm bệnh cũng gây ra nhức đầu, thời kỳ kinh nguyệt, yếu tố gia truyền cũng được nêu lên, đau ốm lâu năm, ăn uống quá béo bổ, không hợp với cơ thể v.v... Nói chung thì tình trạng còn hỗn tạp, căn nguyên của chứng bệnh theo giải thích của các nhà chuyên khoa, hiện giờ còn nhiều bí ẩn. Bên Tây phương họ chú trọng nhiều tại cục bộ có nghĩa là cơ thể học, phân chất sinh hóa học (biochimie), thần kinh phản ứng học, thần kinh não bộ v.v...
Theo giải thích của Trung y học dựa trên Nội Kinh (có trên hai ngàn năm trước Công nguyên): Não bộ là nơi quy tụ dương khí và cũng là nơi hội tụ các tinh khiết của khí huyết lục phủ ngũ tạng. Cho rằng tất cả chứng bệnh gây ra bởi tà khí bên ngoài, hay do sự suy kém khí huyết của chính cơ thể bên trong, hoặc hệ thống kinh lạc bị tắt nghẽn ứ đọng, đều có thể là nguyên nhân đầu thống (đau đầu), và được phân loại sau đây (trừ loại đau đầu do chấn sang):
1/ Nhức đầu do thời khí bên ngoài gây ra: phong hàn (gió lạnh), phong thử (gió nóng), phong thấp (gió ẩm). Mỗi loại phong vừa kể có mang tánh chất khác nhau, do đó triệu chứng thể hiện cũng khác biệt, sẽ giúp cho phần chẩn bệnh được đích xác hơn.
2/ Nhức đầu do tự ta gây nên (nội nhân): do cơn nóng giận, nóng nẩy mất sự kiềm chế, (afflux énergétique du Foie-Yang) mà ta thường nói là "can hỏa" bốc lên đầu, với triệu chứng đau đầu xuất hiện dữ dội.
3/ Nhức đầu do cơ thể và khí huyết suy kém: thận âm, hay thận dương suy kém nên khí huyết lưu thông không được điều hòa sẽ gây nên các chứng nhức đầu có tính chất mãn tính.
4/ Nhức đầu do tâm thần gây ra (migraine psychique): thường được xếp vào loại can dương "gan nóng" bốc lên đầu.
5/ Nhức đầu do đàm độc: nguyên nhân do ăn uống không hợp theo phép vệ sinh (alimentation déséquilibrée).
6/ Nhức đầu sau khi sanh đẻ (khí huyết hao tổn), hay trong thời kỳ hồi dưỡng, hoặc sau khi mất máu nhiều như thời kỳ kinh nguyệt, được gọi là nhức đầu do kinh nguyệt (migraine cataméniale).
Nhức đầu cho những triệu chứng gì?
A) Nhức đầu do phong xâm nhập (bị gió độc): "đầu phong"
Nằm ngủ đúng trên luồng gió độc, hay nhiễm phải sương lạnh, hoặc cảm nắng, hay ở lâu ngày nơi ẩm thấp.
Bệnh đau từng cơn, đau như kim đâm, đau theo đường kinh lạc, đau vùng đỉnh đầu (vertex), hay đau sau gáy (occipitale), hoặc đau hai bên màng tang (temporale, hay đau trước trán (frontale), đau nửa bên đầu (hémicrânie).
B) Nhức đầu do can dương khí nghịch (giận dữ quá độ khí xông lên đầu):
Đau dữ dội, đau có khi lan xuống hai bên sườn cho những cơn đau xóc, kèm theo là chứng chóng mặt, nôn mửa, xây xẩm, mắt hoa, tai ù, ghét ồn ào, tìm nơi yên lặng, xa lánh tiếng động, ghét ánh sáng, ưa chỗ tối.
Cơn đau có thể kéo dài đến một hai ngày, bỏ ăn uống, mất ngủ, người mệt lả.
Nhịp độ tùy theo tạng người, một hai cơn mỗi tuần, hay hàng tháng, hoặc mỗi khi đổi khí trời hoặc mỗi khi trái ý, giận dữ, v.v...
C) Nhức đầu do thận hư: (nôm na là thận yếu)
1/ Thận âm hư: Chóng mặt, tai ù, gối yếu, lưng đau, di tinh, hay huyết trắng.
2/ Thận dương kém: sợ lạnh, sắc mặt bợt nhạt, tay chân lạnh.
D) Nhức đầu co đàm ẩm: (ăn uống vô điều độ)
Choáng váng, thân thể mệt mỏi, nặng nề, biếng nhác, rạo rực nôn mửa, lợm giọng, ngực đầy thở khó.
E) Nhức đầu do khí huyết không được điều hòa:
1/ Nếu là khí hư: ban sáng thì nhức đầu nặng, ban chiều thì nhẹ, đầu trống rỗng, tinh thần mệt mỏi, ăn uống kém.
2/ Nếu là huyết hư: nhức đầu không dữ dội, nhưng thường nhức nhói, đau đầu trưa lại nặng hơn, hồi hộp, đán trống ngực, sắc nhợt nhạt.
Chữa trị thế nào, có dứt được bệnh không?
A/ Điều trị Tây Âu Đều công hiệu nếu theo đúng lời chỉ dẫn của mỗi loại Âu dược
- Loại chống đau nhức (antalgiques)
- Loại chống viêm (anti-inflammatoires)
- Loại hóa chất của cựa lúa mạch Dihydroergotamine (dérivés de l'ergot de seigle)
- Loại triptans mới gần đây.
- Hai loại đầu dùng khi mới xuất hiện triệu chứng.
- Hai loại sau dùng khi đã bị lâm cơn.
Đại để đường lối chữa trị là thế, cũng trong chiều hướng nhắn nhủ của Tổ chức quốc tế y tế (O.M.S.). Sự giải thích, ghi toa và lời căn dặn của y sĩ cũng sẽ mang lại kết quả. Tuy nhiên muốn chữa khỏi bệnh thì phải tìm ra căn nguyên là điều chính yếu, bằng không tất cả chỉ là chính sách chống đỡ mà thôi.
B/ Điều trị theo phương pháp Châm cứu cổ điển
Sự mang lại kết quả mong muốn sẽ tùy thuộc trực tiếp tầm hiểu biết, năng lực và kinh nghiệm của y sĩ chẩn bệnh, vì rằng người bệnh không người nào giống người nào, do đó cách chữa trị cũng khác biệt nhau. Ta không thể áp dụng một công thức, hoặc một phương trình cố định nào cho tất cả mọi người bệnh được. Như đã nói trên, tìm được căn nguyên thì kết quả chữa trị mới được lâu bền.
Nói chung, thì phương pháp châm cứu chữa trị chứng bệnh đau đầu đã mang lại rất nhiều kết quả tốt đẹp mà dẫn chứng hằng ngày đã cho thấy.
Kết luận
Đầu thống, một chứng bệnh thông thường, đã có từ lâu trong lịch sử y khoa, thế nhưng nó đã biến đổi dưới nhiều hình thức, qua nhiều khuôn mặt theo thời gian với nhiều yếu tố xã hội, văn hóa, kinh tế, tập quán v.v... mà nay được xếp vào loại "bệnh của thời đại" vì số người mắc phải ngày càng gia tăng, đã nói lên được ý nghĩa của căn bệnh. Bất luận tuổi tác, già trẻ, như theo thống kê cho thấy, đều dễ bị vướng phải. Cách chẩn bệnh bên này chẳng gì là khó khăn, máy móc tinh vi, cực kỳ tối tân, với các loại dược phẩm rất công hiệu, tuy nhiên hiệu quả chỉ là nhất thời và với sự nhìn nhận chung rằng căn nguyên của bệnh đau đầu hiện nay còn mang nhiều ẩn số, và đầy bí ẩn.
Bên phương Đông, khư khư với đường lối truyền thống, vì cho rằng con người dầu sống giữa mỗi trường nào đi nữa, luôn luôn vẫn trực thuộc với quy luật và trật tự chung của vụ trụ bất di bất dịch qua thời gian và không gian. Khoa Châm cứu có từ ngàn năm xưa được xây đắp trên nền tảng kiên cố đó đã lý luận như vậy. Kết quả thâu hái hằng ngày đã dẫn chứng được điều ấy, đã mang lại cho ta nhiều điều mong muốn và sự bất ngờ vô cùng quý giá.
Qua các báo chí hiện nay ở Pháp, chúng ta nhận thấy đã có nhiều luồng gió xã hội đang chuyển mình xoay hướng "trở về nguồn" muốn chữa trị với phương pháp đơn sơ, giản dị và tự nhiên cho phù hợp với cơ thể con người. Họ ngần ngại, tránh né các "u dược, vì cho rằng phải phụ thuộc quá nhiều thuốc men mà hậu chứng của nó khó lường trước được. Dân tình hiện nay thích ưa chuộng lối chữa trị thiên nhiên dịu lành (médecines douces), và trong đó, theo thống kê dư luận qua một vài tờ báo, thì một trong ba người đặt tin tưởng vào môn y khoa "dịu lành"; và có tới 41% chạy chữa bằng khoa Châm cứu.
Khách quan mà nói thì không có một y khoa nào được xem như hoàn hảo toàn bộ cả, mà chỉ có nhiều khoa, tuy cách biệt giữa lối chữa trị, không cùng một lối đi, nhưng cùng một hướng, cùng hẹn quy tụ về một điểm chung, là nơi hội ngộ giữa Âu và Á, đó là tìm sự thoa dịu những thống khổ của người bị bệnh: "Ba mươi sáu nẻo đường đều dẫn tới thành La Mã".
Paris, Mùa Hè 99