CHÓNG MẶT, NỖI KHỔ CỦA NHIỀU NGƯỜI
BS. NGUYỄN VĂN THỂ
Chóng mặt khó làm chết ai nhưng bệnh nhân sợ mọi hoạt động, lo âu, buồn chán, năng suất lao động giảm v.v. ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của họ. Chóng mặt là triệu chứng chủ quan, người bệnh cảm thấy mọi vật xung quanh quay cuồng hay bản thân bồng bềnh, nghiêng ngả, bước đi loạng choạng.
Trong ống tai người có 3 hình bán khuyên, xếp theo 3 chiều không gian khác nhau, gắn liền với phần phình to gọi là tiền đình, cuối cùng là phần xoắn ốc (ốc tai) có các sợi thần kinh gắn vào.
Tiền đình giúp con người xác định vị trí và tư thế trong không gian, nếu bị tổn thương gọi là rối loạn tiền đình, biểu hiện bằng chóng mặt, giật nhãn cầu (Nystagmus), nghiệm pháp lệch ngón trỏ v.v.
Nguyên nhân chóng mặt rất nhiều nhưng biết rõ chỉ 25 - 30%, muốn xác định cần phải phối hợp với khoa tai mũi họng, thần kinh, nội, phi lâm sàng.
Thường gặp: chấn thương xương đá (do ngã, đụng dập, va chạm), chấn động tai trong, nhiễm độc (khí độc, rượu, thuốc (Kanamycin, Streptomycin, Neomycin), viêm tai (viêm tai giữa, xương chũm, mê nhĩ), tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng động mạch cột sống thân nền v.v.
Theo Tuệ Tĩnh, bệnh chóng mặt (Huyền
vựng) thuộc phong thì đổ mồ hôi, thuộc hàn thì đau nhức, thuộc thử thì nóng
nảy buồn phiền, thuộc thấp thì nặng nề trầm trệ v.v.
Tùy mức độ, người ta
xếp chóng mặt làm 3 thể:
Thể nhẹ: Mỗi cơn chóng mặt từ vài phút đến
vài giờ, như ngồi trên thuyền, đồ vật lắc lư, không ù tai và điếc. Loại này
xuất hiện khi bệnh nhân để đầu nghiêng hướng nào đó, nếu xoay về vị trí bình
thường thì hết chóng mặt.
Chóng mặt vừa: Xuất hiện đột ngột, bệnh nhân phải
ngồi và vịn vào bất cứ vật gì ở gần, nhà cửa đồ vật quay cuồng, như ngồi
trên thuyền, toát mồ hôi, buồn nôn, tim đập nhanh, ù tai và điếc nhẹ, không
giật nhãn cầu, chỉ muốn nằm yên. Mỗi cơn vài giờ đến vài ngày và xuất hiện
khi cử động đầu, quay người, ngồi dậy hay nằm xuống. Ngoài cơn bệnh nhân
nghe tương đối rõ, đi không bình thường.
Chóng mặt nặng: Người bệnh thấy đồ vật xung quanh
chao đảo, quay vòng, mặt tái nhợt, toát mồ hôi, nôn ói, đánh trống ngực liên
hồi, ù tai hay điếc một bên, giật nhãn cầu, nghiệm pháp ngón tay trỏ lệch
bên tổn thương. Trong cơn bệnh nhân có thể ngã lăn ra khi cử động (đi, quay
đầu, từ ngồi sang nằm hay ngược lại), kích thích bởi ánh sáng hoặc tiếng
động nên lúc nào họ cũng bất động nhưng tỉnh táo. Ngoài cơn thì nghe kém, ù
tai, có thể điếc 1 hay 2 bên tạm thời hoặc vĩnh viễn, đi như hụt hẫng, lệch
về 1 phía. Dùng máy kiểm tra mức độ nhạy cảm của vành bán khuyên và tiền
đình, điện kế giật nhãn cầu, CT Scanner, cộng hưởng từ hạt nhân não, đo
thính lực v.v. để xác định mức độ rối loạn tiền đình giúp cho công tác điều
trị.
Trước một trường hợp
chóng mặt phải tìm nguyên nhân để trị. Giải quyết chứng chóng mặt bằng:
Sibelium 5mg dưới 65 tuổi 2v/ngày, trên 65 tuổi 1v/ngày (uống vào buổi tối)
x 1 tháng hay Tanganil 500mg từ 3 - 4v/ngày có thể lên 6 - 8v/ngày (uống
trong khi ăn) từ 10 ngày đến 5 - 6 tuần hoặc Serc 8mg 1 - 3v x 3 lần/ngày
(uống giữa bữa ăn) ít nhất 1 tháng. Chóng mặt vừa và nặng: Tanganil ống
500mg 1 - 2 ống/ngày, tiêm mạch thật chậm, sau khi pha loãng thuốc với 1 ít
máu, duy trì bằng thuốc uống như trên.
Y học cổ truyền:
- Sinh địa hoàng 60gr,
- Quy thân (rửa rượu) 30gr,
- Thổ sài bồ 15gr,
- Chế bán hạ 45gr,
- Vân thần 60gr,
- Kiến khúc (sao) 45gr,
- Cam kỳ tử 30gr,
- Hắc chi tử 24gr,
- Hà từ thạch 60gr (tán riêng thật nhỏ thủy phi).
Các vị trên tán nhỏ, làm thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần 9gr hòa vào nước muối uống trước khi ăn.
Bài thuốc khác:
- Bán hạ 60gr,
- Phục linh 30gr,
- Sao chỉ thực 15gr,
- Đảm tinh 15gr - tán nhỏ, hòa vào nước cơm uống 6gr x 2 lần/ngày (sáng, chiều).
Bệnh nhân nằm đầu nghiêng về phía không gây
chóng mặt. Tập ở tư thế nằm, ngồi và đứng: đưa mắt nhìn sang 2 bên, lên,
xuống từ chậm đến nhanh, nhìn ngón tay qua lại cách 20cm, cử động đầu (gập,
ngửa, xoay). Chóng mặt do thiểu năng động mạch thân nền thì không tập. Thể
dục thể thao đều đặn, tùy sức khỏe của mình, tránh mọi yếu tố gây độc hại
đến tai trong như thuốc hay hóa chất. Cữ rượu, thuốc lá và các chất kích
thích. Phát hiện sớm bệnh tiểu đường, tăng cholesterol máu, suy thận v.v. để
trị.
Chóng mặt là triệu chứng
của nhiều bệnh, việc tìm nguyên nhân vô cùng khó khăn và tốn kém. Để giảm
bớt nỗi khổ của bệnh nhân do chóng mặt, có thể dùng thuốc Đông hay Tây y,
theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.