Các loại rối loạn giấc ngủ
Một số người mắc chứng ngủ rũ. Họ không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ dù lúc đó đang nghỉ ngơi hay hoạt động. Các cơn ngủ rũ thường ngắn và hay phối hợp với ngã khuỵu (mất trương lực cơ đột ngột).
Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh biểu hiện dưới ba hình thái chủ yếu là mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.
Chứng mất ngủ
Ở những người này, việc đi vào giấc ngủ và duy trì nó trở nên khó khăn, làm cho thời gian ngủ ít đi và chập chờn không sâu. Chứng mất ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác, đôi khi là triệu chứng của một bệnh thực thể.
Một số bệnh nhân mất ngủ có cảm giác tê bì, căng cứng chân tay như có dòi bò, rất khó chịu. Các biểu hiện này tăng rõ lên vào chiều tối và trước khi đi ngủ làm người bệnh không thể ngon giấc. Tuy nhiên, nếu chỉ mất ngủ thoảng qua một vài hôm thì không thể coi là rối loạn giấc ngủ, chỉ khẳng định bệnh khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng.
Tình trạng mất ngủ kéo dài làm bệnh nhân lo lắng, sợ hãi thậm chí trầm cảm và hậu quả là càng mất ngủ hơn.
Chứng ngủ nhiều
Một số người ngủ gật nhiều ban ngày hoặc kéo dài thời gian ngủ ban đêm, ngủ nhiều được chia làm ba loại chính là ngủ nhiều nguyên phát, ngủ rũ và hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Ngủ rũ là một tình trạng bệnh lý thần kinh mạn tính, có đặc điểm là bệnh nhân đi vào giấc ngủ không thể cưỡng lại được trong khi đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động. Các cơn ngủ rũ thường ngắn và hay phối hợp với ngã khuỵu (mất trương lực cơ đột ngột), kèm theo đó là các ảo giác nửa thức nửa ngủ và hiện tượng liệt khi ngủ.
Trong chứng ngủ nhiều nguyên phát, ban đêm bệnh nhân ngủ nhiều, nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ và hay ngủ gật. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng chống lại những cơn buồn ngủ này. Tình trạng ngủ nhiều tồn tại ít nhất từ một tháng trở lên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là ngừng hô hấp khoảng 20-40 giây trong khi ngủ, nguyên nhân là tắc nghẽn đường lưu thông khí hoặc tổn thương ở não (u thân não); có khi phối hợp cả hai loại trên. Hội chứng ngừng thở gây giảm bão hòa oxy và tăng nồng độ carbonic trong máu, làm bệnh nhân có nhiều lúc tỉnh giấc ngắn trong đêm.
Rối loạn nhịp thức ngủ là hiện tượng mất đồng bộ nhịp thức ngủ của người bệnh và của người thường. Quá trình bệnh lý này thường gây những thời điểm tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ, kèm theo những hành vi tự động, lú lẫn tâm thần và quên. Chính vì vậy mà giấc ngủ ngắn, không sâu, bệnh nhân cảm thấy không thỏa mãn. Nguyên nhân gây bệnh thường là yếu tố tâm lý, nhưng cũng có thể là bệnh thực thể hoặc di truyền.
Mộng du chính là một biểu hiện của rối loạn giấc ngủ; thường xảy ra vào lúc ngủ sâu. Tự nhiên người bệnh ngồi dậy, mắt nhìn thẳng, vẻ mặt mất thần, không đáp ứng với các tác động xung quanh, họ đi loanh quanh trong phòng hoặc ra khỏi nhà. Bệnh nhân có thể trở lại giường khi có người giúp đỡ, lúc tỉnh dậy không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Mộng du liên quan chặt chẽ với những cơn hoảng sợ về ban đêm. Đó là các cơn hoảng loạn cực độ trong lúc ngủ sâu, kéo dài 1-10 phút, bệnh nhân la hét giãy giụa, chạy trốn, ít đáp ứng với tác động của người xung quanh, khi tỉnh dậy không nhớ gì, do đó rất dễ nhầm với cơn động kinh. Bệnh hay gặp ở trẻ em, có tính chất gia đình, có liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý.
BS Nguyễn Thế Anh, Sức Khỏe & Đời Sống