Bệnh đau thần kinh tọa
Căn bệnh này còn được gọi là đau dây thần kinh hông to. Các biểu hiện điển hình là đau cột sống, đau lan xuống mông, mặt sau đùi, tới bắp chân, cổ chân và thậm chí tới gan bàn chân.
Khoảng 80% trường hợp đau thần kinh tọa là do căn nguyên đĩa đệm cột sống; số còn lại do các bệnh như gai đôi cột sống, trật đốt sống, lao cột sống, u rễ thần kinh, u xương cột sống hoặc chấn thương. Bệnh đau thần kinh tọa chủ yếu được điều trị bằng nội khoa. Những trường hợp không có kết quả mới phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Đau thần kinh toạ do căn nguyên đĩa đệm
Về chức năng, đĩa đệm được coi như chiếc "lò xo sinh học", làm giảm bớt các lực chấn thương (sinh ra khi đi bộ, chạy, nhảy, mang vác nặng) tác động lên đốt sống. Nhờ vậy, chúng bảo vệ được tủy sống. Ở những người thoát vị đĩa đệm, chức năng "giảm xóc" mất, vận động của cột sống sẽ hạn chế, mất hoặc giảm khả năng mang, vác.
Đĩa đệm bắt đầu thoái hóa ở tuổi 20-25. Chấn thương cột sống, công việc nặng nhọc, tư thế không đúng... là yếu tố thúc đẩy quá trình này. Khi đĩa đệm thoái hóa, nhân nhầy mất nước, khô lại. Tính đàn hồi và khả năng căng phồng của nhân nhầy mất đi, nó dễ vỡ thành mảnh nhỏ. Các mảnh vỡ sẽ thúc ép làm rách vòng sợi của đĩa đệm, làm suy yếu dây chằng dọc sau, lồi vào trong ống sống và chèn ép vào rễ thần kinh.
Triệu chứng của bệnh:
- Lúc đầu, bệnh nhân đau mỏi cột sống, sau một thời gian đau lan xuống mông và bắp chân. Đau tăng lên khi ho, hắt hơi.
- Cột sống bị lệch vẹo sang bên (do tư thế chống đau).
- Đi lại đau và có dấu hiệu đi cách hồi (đi được vài trăm mét phải nghỉ một lát vì đau, đoạn đường của lần đi sau sẽ ngắn hơn so với lần đi trước).
- Giảm cảm giác đau và tê bì mé ngoài cẳng chân hoặc mé ngoài mu bàn chân, khe giữa ngón cái và ngón thứ hai.
- Yếu sức cơ ngón chân cái, yếu động tác gấp bàn chân về phía mu chân, thậm chí liệt một vài nhóm cơ cẳng chân; khi đi bộ bằng dép không có quai hậu thì hay bị tuột.
- Cơ mông, cơ cẳng chân bị teo.
- Cảm giác chân lạnh, có khi phù nhẹ, ra mồ hôi lòng bàn chân.
- Đôi khi nằm ngửa không duỗi được thẳng 2 chân, phải co chân đau.
Ngoài các triệu chứng lâm sàng nói trên, để chẩn đoán quyết định, người bệnh cần phải được chụp cắt lớp vi tính cột sống; chụp bao rễ cản quang hoặc chụp cộng hưởng từ.
Về cơ bản, bệnh đau thần kinh tọa do căn nguyên đĩa đệm được điều trị nội khoa, gồm các biện pháp như: nghỉ ngơi, kéo giãn cột sống; vật lý trị liệu (chiếu đèn hồng ngoại; đắp paraphin; sóng ngắn; điện phân; xoa bóp...). Nếu bệnh nhân không bị viêm loét dạ dày - tá tràng, có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm như voltaren, diclofenac, profenide hoặc tilcotil, uống hoặc tiêm. Nên hạn chế dùng giảm đau chống viêm loại steroide như prednisolone, dexamethasone hoặc solu-Medrol vì có nhiều tác dụng phụ đối với gan, thận, dạ dày và gây loãng xương.
Khi nhân nhầy mới chỉ lồi vào ống sống, có thể dùng phương pháp giảm sáp đĩa đệm bằng tia laser qua da. Nếu nguyên nhân chèn ép rễ thần kinh không chỉ do nhân nhầy đĩa đệm mà còn do gai xương, dày dây chằng vàng... thì ít có hiệu quả.
Về ngoại khoa, có thể mổ đĩa đệm bằng đường vào phía sau cột sống. Chỉ khoảng 20-30% bệnh nhân đau thần kinh tọa do căn nguyên đĩa đệm được phẫu thuật, đó là những trường hợp sau:
- Thoát vị địa đệm cấp tính sau chấn thương.
- Thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện liệt chân, bí tiểu hoặc đái rỉ, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục).
- Thoát vị đĩa đệm gây liệt chân (liệt hoàn toàn hoặc liệt một vài nhóm cơ).
- Đau quá mức, các thuốc giảm đau không hoặc rất ít tác dụng.
- Các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả, hết thuốc lại đau như cũ.
- Có biến chứng viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau.
TS Bùi Quang Tuyển, Sức Khoẻ & Đời Sống