NGẤT
Tác giả : Thạc sĩ PHẠM NHƯ HÙNG (Viện Tim mạch Việt Nam)
Ngất là hiện tượng khá thường gặp, nhiều khi làm bệnh nhân rất lo lắng và phải đến khám tại các phòng khám tim mạch. Trước nay nhiều người vẫn nghĩ ngất là một triệu chứng nặng nề, tuy nhiên rất ít người biết được nguyên nhân của nó cũng như cách xử trí khi gặp một trường hợp bị ngất.
NGẤT LÀ GÌ?
Ngất được định nghĩa là sự mất ý thức thoáng qua. Lúc đầu, bệnh nhân có thể cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, choáng váng rồi mắt tối xầm và sau đó không nhận thức được xung quanh. Các tiền triệu báo trước có thể gặp như nhịp tim nhanh hoặc không đều, nôn và toát mồ hôi. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi có thể mất trí nhớ sau ngất và không nhớ được các triệu chứng trước khi ngất.
Nếu đang đứng, bệnh nhân sẽ ngã xuống do mất trương lực cơ. Nếu đang ngồi, bệnh nhân sẽ đổ ra phía trước. Thường thì hơn 80% bệnh nhân có thể tự tỉnh lại mà không cần bất cứ sự can thiệp nào. Tuy nhiên, ngất có thể sẽ gây ra những chấn thương sau khi ngã, đặc biệt là chấn thương sọ não. Người cao tuổi là đối tượng hay gặp những chấn thương này.
NGUYÊN NHÂN GÂY NGẤT
Ngất thường xuất hiện khi dòng máu đến não thấp hơn hẳn mức tối thiểu cho chức năng bình thường của não. Phần lớn xảy ra khi có sự giảm đột ngột của huyết áp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, bao gồm cả nguyên nhân lành tính và bệnh lý tim mạch.
Bảng phân loại các nguyên nhân gây ngất
Phân loại nguyên nhân gây ngất.
- Ngất do phản xạ thần kinh tim.
- Ngất do thần kinh phế vị.
- Ngất do phản xạ xoang cảnh.
- Ngất sau khi nuốt hoặc do quá căng thẳng.
- Ngất do bàng quang rỗng.
- Ngất khi thay đổi tư thế.
Do thuốc.
- Ðái tháo đường hoặc những bất thường khác của thần kinh ngoại vi.
- Rối loạn nhịp.
- Nhịp tim quá chậm.
- Nhịp tim quá nhanh.
- Một số bất thường điện học của tim.
Bệnh tim.
- Nhồi máu cơ tim.
- Bệnh van tim.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Một số bệnh lý gây tắc nghẽn trong tim như bệnh cơ tim phì đại, u nhầy nhĩ trái...
- Một số tình trạng giống như ngất.
- Mệt thỉu.
Bệnh rối loạn thần kinh chức năng (hysteria).
Ngất do phản xạ thần kinh tim
Ngất do phản xạ thần kinh tim có nhiều dạng khác nhau, nhưng thường gặp nhất là ngất do thần kinh phế vị. Ngất do thần kinh phế vị có thể xảy ra ở người khỏe mạnh hoặc ở bệnh nhân đang mắc một bệnh nào đó. Ðây hoàn toàn không phải là bệnh lý của hệ thống thần kinh. Trước khi ngất, bệnh nhân thường có cảm giác buồn nôn và toát mồ hôi. Sau khi ngất, thường cảm thấy mệt mỏi. Cảm giác trên có thể kéo dài trong nhiều giờ sau ngất. Phản xạ này có thể xảy ra sau quay cổ một cách đột ngột, mặc áo cổ chặt (ngất do phản xạ xoang cảnh và thường xảy ra ở người cao tuổi), bàng quang rỗng sau khi đi tiểu. Một số trường hợp hiếm gặp là sau ho hoặc cười to. Cũng có trường hợp ngất xảy ra ở người đang chơi sáo hoặc kèn.
Ngất khi thay đổi tư thế
Ngất khi thay đổi tư thế khá thường gặp, xuất hiện khi ta thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng. Ngất khi thay đổi tư thế nặng nề nhất ở những người cao tuổi gầy yếu, hoặc những bệnh nhân có bệnh sẵn như đái tháo đường, bệnh của hệ thống thần kinh, mất nước do thời tiết quá nóng. Một số thuốc cũng có thể làm ngất khi thay đổi tư thế như các thuốc lợi tiểu, giảm huyết áp, thuốc giãn mạch (ví dụ Nitroglycerin).
Ngất do rối loạn nhịp
Rối loạn nhịp có thể gây ngất nếu nhịp tim quá chậm (thường khi nhịp tim dưới 30 nhịp/phút) hoặc nhịp tim quá nhanh (thường trên 180 nhịp/phút). Nếu ngất do rối loạn nhịp xảy ra ở bệnh nhân có bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim hoặc bệnh van tim) thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Ngất ở bệnh nhân có bệnh tim mạch
Một số bệnh lý của cơ tim, van tim, mạch máu có thể gây ra ngất. Nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là nhồi máu cơ tim. Nói chung ta phải chú ý tìm bằng được nguyên nhân của ngất ở bệnh nhân bị bệnh tim mạch bởi nó thường là dấu hiệu báo trước nguy cơ có thể dẫn đến tử vong.
Một số tình trạng giống như ngất
Một số tình trạng khiến ta có thể nhầm lẫn với ngất như động kinh, rối loạn giấc ngủ, ngã do tai nạn, hoặc một số trạng thái tâm thần khác như rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), mệt thỉu, tình trạng tăng thông khí. Một số bệnh lý tai trong cũng có thể gây choáng váng làm ta nhầm với ngất. Những rối loạn về chuyển hóa và thần kinh hiếm khi gây ra ngất thực sự.
LÀM THẾ NÀO ÐỂ TÌM NGUYÊN NHÂN GÂY NGẤT?
Thực sự, việc tìm ra nguyên nhân là vấn đề rất quan trọng trong chẩn đoán ngất; Vì có vậy, ta mới có thể ngăn ngừa cơn ngất và tránh được một số trường hợp tử vong.
Trên thực tế, bệnh nhân bị ngất hay đòi hỏi được làm nhiều xét nghiệm. Thường thì chỉ bằng cách hỏi bệnh sử (gồm cả hỏi người chứng kiến cơn ngất) và khám lâm sàng cũng đủ để tìm ra nguyên nhân của ngất. Tuy nhiên, một số các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang tim phổi cũng giúp ích khá nhiều, nhằm khẳng định lại có hay không bệnh lý tim mạch. Những xét nghiệm như điện não đồ và chụp cắt lớp sọ não là không cần thiết.
Ngoài ra một số xét nghiệm khác cũng có thể giúp xác định nguyên nhân gây ngất. Nếu không có bệnh tim mạch, có thể làm xét nghiệm bàn nghiêng để xem có phải ngất do thần kinh tim hay không? Rối loạn nhịp cũng là nguyên nhân khá thường gặp trong ngất, vì vậy xét nghiệm theo dõi điện tâm đồ trong cả ngày (holter điện tâm đồ) cũng có thể cần làm. Nếu cần thiết hơn, có thể phải làm thăm dò điện sinh lý (đặt một số các dây thông điện cực vào tim qua đường mạch máu).
ÐIỀU TRỊ
Khi gặp một bệnh nhân ngất, điều cần thiết là phải tránh cho họ bị chấn thương và bảo đảm là bệnh nhân đang tự thở, có mạch. Mạch bệnh nhân có thể nhỏ và yếu, cách tốt nhất là kiểm tra động mạch cảnh ở ngay dưới hàm. Nếu không tự thở hoặc không có mạch, phải gọi ngay cấp cứu. Nếu tự thở và có mạch, người bên cạnh nên để bệnh nhân nằm dưới nền cứng và phẳng rồi từ từ nâng nhẹ chân lên cao. Thường thì ngay trong vài phút đầu, bệnh nhân có thể tự hồi phục và không cần bất cứ can thiệp nào. Lỗi thường gặp nhất của người đứng bên cạnh là hay nâng ngay bệnh nhân dậy.
Ðiều trị ngất do phản xạ thần kinh tim
Cách tốt nhất để dự phòng là tránh những tình trạng gây ra ngất (như môi trường quá nóng hoặc người quá đông), uống nhiều nước, bổ sung thêm muối (có thể dùng các viên thuốc muối hoặc uống nước khoáng). Ngoài ra có thể dùng các thuốc chẹn beta giao cảm như Propranolol, Atenolol, Metoprolol, Bisoprolol. Nếu các biện pháp trên thất bại, có thể xem xét cấy máy tạo nhịp.
Ðiều trị ngất khi thay đổi tư thế
Dừng thuốc hoặc điều chỉnh liều thuốc có thể làm bệnh nhân không còn ngất. Ðiều trị còn bao gồm cả việc đi tất chân chặt và nằm ngủ đầu cao.
Ðiều trị ngất do rối loạn nhịp
Nếu nhịp chậm có thể dùng máy tạo nhịp. Nếu nhịp tim quá nhanh, có thể dùng thuốc điều chỉnh nhịp hoặc một số trường hợp có thể dùng sóng radio (radiofrequency) để điều trị.
Chú thích ảnh:
Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hay gây ngất.