Phương pháp chụp cắt lớp mới giúp phát hiện sớm ung thư phổi |
Được mệnh danh là "siêu sát thủ", ung thư phổi là một trong những căn bệnh khiến cho giới khoa học phải đau đầu từ bao năm nay. Tuy chưa tìm được thuốc chữa nhưng gần đây, các nhà khoa học Anh đã tìm ra phương pháp chụp cắt lớp công nghệ cao giúp phát hiện sớm để phẫu thuật cắt bỏ khối u, giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết vì ung thư phổi, nhiều hơn bất kỳ chứng bệnh ung thư nào khác. Tại châu Âu, sau khi chẩn đoán ra bệnh, chỉ có 10% bệnh nhân ung thư phổi sống được đến 5 năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cần phải tiến hành nghiên cứu thêm trước khi công bố chương trình chẩn bệnh áp dụng công nghệ chụp cắt lớp đắt tiền này. Giới khoa học đang tập trung xem xét lợi ích của việc kết hợp hai phương pháp chụp cắt lớp công nghệ cao: chụp X-quang máy tính (CT) với phương pháp chụp phát positron (PET) để phát hiện khối u. Trong chụp CT xoắn ốc, bằng cách rà máy scan quanh người bệnh nhân, người ta có thể thu được hình ảnh tại các góc độ khác nhau. So với phương pháp chụp CT hiện nay thì phương pháp kết hợp này có lợi thế là nó scan liên tục, nhanh hơn và chất lượng hơn. Trong phương pháp PET, người ta cho bệnh nhân uống một lượng nhỏ thuốc phóng xạ để giúp máy scan phát hiện ra khối u. Cả hai phương pháp này đều rất đắt tiền và chưa được sử dụng rộng rãi ở Anh. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ung thư Quốc gia Anh và Viện Ung thư học châu Âu tại Milan (Italia) đang tìm hiểu xem liệu kết hợp với phương pháp PET có làm tăng độ chính xác của phương pháp CT xoắn ốc hay không. Trong 5 năm qua, hàng năm người ta đã tiến hành chụp CT có kết hợp hoặc không kết hợp với PET cho hơn 1.000 người nghiện thuốc lá nặng ở độ tuổi 50 trở lên (hút ít nhất 26 điếu một ngày trong suốt 37 năm qua). Nếu phát hiện thấy khối u khoảng 5 mm thì dường như đã có thể kết luận về tình hình bệnh tật và sau đấy 12 tháng bệnh nhân sẽ được chụp lại. Sau một năm, người ta phát hiện được 11 ca ung thư phổi. Sau một năm nữa, người ta lại phát hiện thêm 11 ca khi chụp lại cho tất cả mọi bệnh nhân có khối u nhỏ hơn 5 mm. Trong số họ, 21 người đã được phẫu thuật lấy khối u và chỉ có một người chết vì ung thư phổi. Bác sĩ Ugo Pastorino thuộc Viện Ung thư Quốc gia Anh, người chủ trì cuộc nghiên cứu, nói: "Chúng tôi vừa chứng minh rằng chụp CT xoắn ốc liều thấp kết hợp với chụp PET có chọn lọc có thể sớm phát hiện ung thư phổi". Theo ông, cần phải tiến hành nghiên cứu thêm để thông báo về quyết định chụp rộng rãi cho bệnh nhân có nhiều nguy cơ mắc bệnh này. Bác sĩ Siow Ming Lee thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, chuyên gia tư vấn về ung thư tại Bệnh viện Middlesex và Bệnh viện UCL, tuyên bố: "Vấn đề sử dụng PET một cách có hệ thống nhằm phát hiện ung thư phổi giai đoạn đầu rất tốn kém, phức tạp và chưa thống nhất. Hiện nay, chưa có bất kỳ cuộc thử nghiệm nào cho thấy chụp PET có thể hạn chế tình trạng tử vong ở ung thư phổi giai đoạn đầu. Để công bố được phương pháp chụp này, chúng ta phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc. Nghiên cứu mới đây về việc chụp PET trước khi chụp CT xoắn ốc nhằm cải thiện độ nhạy trong việc phát hiện ung thư phổi giai đoạn đầu là một bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, hướng đi này cần phải được thử nghiệm kỹ càng hơn". (Khánh Hà - Theo BBC) |