Ung thư giáp dễ chữa khỏi nếu được phát hiện sớm
Một lần kiểm tra sức khỏe, chị Hà tình cờ được phát hiện có nhân giáp kích thước gần 1 cm qua siêu âm. Sau xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị ung thư giáp. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt thùy giáp và điều trị nội tiết hơn một năm nay tại BV Ung bướu TP HCM, và có thể khỏi hẳn.
Theo ghi nhận của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ung thư giáp được xếp thứ tám trong mười loại ung thư thường gặp ở phụ nữ và đứng thứ 14 trong các loại ung thư tính chung cả hai giới. Ở cơ sở này, các trường hợp u tuyến giáp chiếm gần 50% số ca mổ.
Bác sĩ Bùi Xuân Trường, Phó khoa Ngoại 5 cho biết, ung thư giáp chiếm tới 90% số ca ung thư nội tiết. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ tới người già, nhất là những người có tiền căn nhiễm xạ (sau xạ trị vùng cổ chẳng hạn). Khoảng một nửa số ca u giáp ở trẻ em là ung thư. Về giới tính, bệnh nổi trội ở phụ nữ hơn nam giới.
Ung thư giáp có biểu hiện khác nhau ở từng trường hợp, lộ diện hoặc giấu mặt. Vì vậy, bệnh có thể được chẩn đoán dễ dàng hoặc rất khó khăn. Ung thư có thể biểu hiện dưới dạng hạt giáp, có hoặc không triệu chứng xâm lấn tại chỗ, di căn hạch, di căn xa... Cũng có trường hợp bệnh xâm lấn vào thần kinh hồi thanh quản hoặc ăn sâu vào khí quản, thực quản gây khàn tiếng, khó thở, khó nuốt và ho ra máu.
Theo bác sĩ Trần Văn Thiệp, Trưởng khoa Ngoại 3, ung thư giáp có 4 dạng chính với những diễn tiến rất khác biệt. Carcinôm (ung thư biểu mô) dạng nhú chiếm đa số, khoảng 80%- 85%, thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh thường di căn hạch bạch huyết ở vùng cổ, ít di căn xa theo đường máu. Còn carcinôm dạng nang chiếm 10%-15%, thường thấy ở người trung niên, hay di căn xa đến các xương dẹt và phổi, hiếm khi di căn hạch. Carcinôm dạng tủy có tỷ lệ khoảng 5%, là dạng ung thư giáp đa ổ và di căn hạch mạnh, có thể mang tính gia đình. Số còn lại là carcinôm không biệt hóa, thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi. Dạng này xâm lấn tại chỗ và di căn mạnh theo cả đường hạch bạch huyết lẫn đường máu, thường tiến triển nhanh và có tiên lượng rất xấu.
Bác sĩ Bùi Xuân Trường cho biết, hiện có rất nhiều phương tiện chẩn đoán ung thư giáp hữu hiệu. Siêu âm có khả năng phát hiện sớm những tổn thương rất nhỏ chừng một vài milimét. Trong trường hợp u quá nhỏ, không sờ thấy, siêu âm còn giúp hướng dẫn mũi kim khi thực hiện chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hoặc giúp chọn lọc điểm nào nên chọc trong trường hợp bướu giáp đa hạt. Bệnh còn được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác như xét nghiệm hình ảnh, sinh hóa, giải phẫu bệnh…
Phẫu thuật có vai trò chủ yếu trong điều trị ung thư giáp. Tùy thuộc mức độ lan rộng và những đặc điểm khác của u như kích thước, loại vi thể, tính xâm lấn, tính đa ổ..., bác sĩ sẽ xác định quy mô phẫu thuật. Thông thường là cắt giáp gần toàn phần hoặc toàn phần, có thể kèm theo nạo hạch cổ cùng bên u hoặc hai bên. Nếu u xâm lấn vào các cấu trúc kế cận như thực quản, khí quản..., bác sĩ có thể tiến hành cắt giáp rộng, hy sinh một phần khí quản, thực quản. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tái tạo phần khuyết hổng của khí, thực quản với mục đích vừa điều trị triệt để, vừa vẫn giữ được đường ăn, đường thở và tiếng nói. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị tiếp bằng đồng vị phóng xạ, nội tiết...
Nếu được phát hiện sớm, ung thư giáp có khả năng chữa khỏi khá cao. Tuy nhiên, vì bệnh phát triển chậm, khá âm thầm, ngoài sự hiện diện của khối u ra thì ít có triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nên nhiều người đến gặp bác sĩ khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mặt khác, không ít người tự điều trị theo những cách phản khoa học như đắp thuốc, đắp lá, cắt chích lể hoặc dùng ngải đốt lên vùng u… Khi họ đến bệnh viện, trên cổ đã chằng chịt nhiều sẹo xấu, hoặc khối u sau thời gian dài bị “chọc phá” đã trở nên lở loét, xâm lấn rộng mô mềm vùng cổ...
Một số trường hợp phát hiện bệnh muộn do bác sĩ không tận dụng hết những phương tiện sẵn có để chẩn đoán chính xác, từ đó không can thiệp đúng mức. Đã có không ít bệnh nhân được mổ “lấy u”, “bóc bướu” ở những cơ sở y tế khác, khi bệnh tái phát và được chẩn đoán là ung thư mới chuyển đến Bệnh viện Ung bướu để mổ lại. Việc chẩn đoán và điều trị sai vừa gieo rắc tế bào ung thư vừa gây khó khăn cho những lần mổ sau vì dễ xảy ra tai biến. Và như thế, vô tình bệnh nhân đã bị mất cơ hội can thiệp đúng mức ngay từ lần mổ đầu tiên.
(Theo Người Lao Động)