Điều trị hoóc môn kéo dài tăng nguy cơ ung thư buồng trứng
Những phụ nữ được điều trị bằng hoóc môn Oestrogen kéo dài trên 10 năm có nguy cơ ung thư buồng trứng tăng gấp 2 lần. Đó là kết quả một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Hội Nội khoa Mỹ (JAMA) ngày 20/3.
Liệu pháp này thường được dùng để chống lại các ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh do thiếu Oetrogen. Nó có ưu điểm là giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương, cơn nóng bừng và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh. Có bằng chứng cho thấy Oestrogen làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư đại tràng. Tuy nhiên, nó lại tăng tỷ lệ ung thư tử cung và nếu sử dụng lâu dài, có thể tăng nguy cơ ung thư vú.
Nghiên cứu được thực hiện trong vòng 14 năm từ 1982-1996, trên hơn 211.000 phụ nữ mãn kinh đã từng điều trị Oestrogen. Khi điều tra kết thúc, 944 người đã chết vì ung thư buồng trứng.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người dùng Oestrogen từ 10 năm trở lên có nguy cơ ung thư buồng trứng tăng gấp đôi, trong khi việc điều trị trong vài năm không làm tăng nguy cơ này.
Không nên lo sợ
Theo các nhà nghiên cứu, không nên lo sợ vì ung thư buồng trứng là một bệnh rất hiếm gặp. Cứ 100.000 phụ nữ thì có 43 người chết vì căn bệnh này, trong khi có tới 414 người chết vì bệnh tim mạch. Dù nguy cơ ung thư buồng trứng có tăng gấp đôi thì con số 86 vẫn còn thấp hơn nhiều so với số phụ nữ chết vì bệnh tim mạch nếu không dùng thuốc này. Vì vậy, phụ nữ vẫn có thể dùng Oestrogen trong thời gian ngắn và chỉ cần cẩn trọng khi dùng thuốc này kéo dài.
Các nhà khoa học vẫn chưa nắm được cơ chế gây ung thư của Oestrogen ở phụ nữ mãn kinh. Một điều trái ngược là việc sử dụng thuốc tránh thai có chứa hoóc môn này, khi chưa mãn kinh, lại làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, bằng cách giữ cho cơ quan này được nghỉ ngơi thay vì phải bận rộn chuẩn bị cho trứng rụng.
Thu Thủy