Chế độ dinh dưỡng giúp phòng và trị ung thư
Nên cẩn thận với các món nướng. |
Khoảng 36% trường hợp ung thư do ăn uống gây ra. Vì vậy, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh này. Ngoài việc chọn thức ăn hợp lý, bạn còn phải hạn chế rượu, thuốc lá và các phụ gia thực phẩm vì chúng là nguyên nhân của 34% số ca ung thư.
Bệnh ung thư thường trải qua 4 giai đoạn:
- Khởi đầu: Một tế bào có sự phát triển bất thường.
- Tăng trưởng: Tế bào bệnh phát triển đột biến.
- Phát triển thành khối u.
- Di căn.
Việc thay đổi chế độ ăn chỉ có hiệu quả cao trong 2 giai đoạn đầu. Khi đã thành u và di căn thì nó chỉ có tác dụng hỗ trợ, nâng cao thể trạng.
Với sự đột biến của tế bào này một cách lặp đi lặp lại. Nếu can thiệp dinh dưỡng ở hai giai đoạn này thì hiệu quả ngừa bệnh đạt được rất cao. Còn ở giai đoạn đã tiến triển thành khối u rõ ràng và giai đoạn di căn thì việc can thiệp dinh dưỡng ít đem lại hiệu quả, thường chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp tăng sức đề kháng của cơ thể.
Các thực phẩm gây ung thư
- Thịt xông khói, thực phẩm ướp muối hay ngâm muối (cá muối, dưa muối khú): Chúng có lượng nitrosamine cao, thường gây ung thư dạ dày hoặc ung thư vú.
- Thực phẩm bị nhiễm nấm mốc (đậu nành, lạc, gạo, bắp...): Chứa aflatoxin B1 gây ung thư gan.
- Thịt mỡ chế biến ở nhiệt độ cao (nhất là khi nướng thịt ở nhiệt độ khoảng 250 độ C), dùng lại mỡ đã rán hoặc xoong chảo rán xong chưa rửa sạch: Cơ thể sẽ hấp thu nhiều Benzopyren gây ung thư đường tiêu hóa.
- Rượu: Gây ung thư hốc miệng, thanh quản, đại tràng, vú, gan, dạ dày.
- Các loại thịt đỏ giàu béo (thịt bò, heo, cừu) và chất béo động vật (trừ mỡ cá): Có thể gây ung thư đại tràng, phổi, vú, tiền liệt tuyến.
- Rau quả nhiễm hóa chất trừ sâu.
Điều chỉnh chế độ ăn khi đã mắc ung thư
Ở giai đoạn khởi đầu và tăng trưởng, cơ thể sản sinh nhiều gốc tự do gây tổn thương cho tế bào, làm chúng phát triển bất thường. Lúc này, nên ăn nhiều rau quả giàu vitamin E, C, beta-caroten để vô hiệu hóa các gốc tự do. Đặc biệt ưu tiên súp lơ xanh vì nó chứa Sulforaphone, chất ức chế sự phát triển tế bào ung thư.
Ở giai đoạn tiến triển và di căn, nhu cầu năng lượng tăng nhưng khả năng thu nạp lại giảm. Mục đích dinh dưỡng lúc này là kiềm chế ung thư phát triển (nếu có thể được) bằng các thực phẩm chứa nhiều isoflavones như rau quả và sản phẩm từ đậu nành. Nên ăn uống tích cực để tăng sức đề kháng của cơ thể. Nếu ăn qua đường miệng không đủ thì phải nuôi qua ống thông dạ dày hoặc đường tĩnh mạch. Bổ sung thêm vitamin và khoáng để tránh thiếu vi chất dinh dưỡng.
Nếu bệnh nhân bị biếng ăn, gầy sút, nên bổ sung thêm một số men tiêu hóa để tạo cảm giác thèm ăn. Nếu bị thay đổi khẩu vị, cần sử dụng một số hương vị kích thích gai vị giác (thơm, ngọt, mặn). Trường hợp khó nuốt, nên dùng thức ăn lỏng thêm men Menalaz và các loại thực phẩm cao năng lượng (Ensure, Enplus, Enalaz...).
3 nguyên tắc dinh dưỡng phòng ngừa ung thư
Ăn đa dạng: Ăn nhiều món trong một bữa, cần đưa vào cơ thể trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày để cung cấp đủ 40 chất dinh dưỡng thiết yếu. Thay đổi món ăn trong ngày, giữa các ngày, theo mùa. Hạn chế những thứ cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo, mỡ...
Ăn chừng mực: Không ăn quá no, không để quá đói và không ăn quá nhiều một loại thức ăn. Mỗi ngày, một người cần 50-100 g thịt (hoặc một lượng cá tương tự; nếu là đậu phụ thì cần 100 g, trứng 1 quả), rau 300 g, trái cây 200 g, đậu đỗ 50 g.
Ăn những thứ nguyên vẹn, gần với thiên nhiên: Những thức ăn gần với thiên nhiên, ít qua chế biến sẽ ít mất các thành phần dinh dưỡng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)