Xạ trị bằng máy gia tốc - hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư
Anh Lê Thái Học, 48 tuổi, sống tại TP HCM, phát hiện mình bị ung thư vòm họng cách đây 5 tháng. Sau 2 tháng với 27 lần được chiếu xạ bằng máy gia tốc tại Viện Ung thư Trung ương, khối u to bằng quả bóng bàn của anh đã teo gần hết. Những biểu hiện ù tai, đau đầu thường hành hạ anh từ ngày mới bị bệnh cũng đã biến mất. Tới hôm nay (28/6), anh đã ăn uống bình thường, tăng 3 kg và đang chuẩn bị ra viện.
Đó chỉ là một trong 70 trường hợp bệnh nhân ung thư được điều trị thành công bằng máy gia tốc, phương tiện xạ trị hiện đại mà ở Việt Nam mới chỉ có một chiếc duy nhất đặt tại Viện Ung thư Trung ương. Trao đổi với phóng viên VnExpress, bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thợi, Trưởng Khoa Xạ I, cho biết, máy gia tốc bắt đầu được đưa vào sử dụng từ 1/1/2001 và cho tới nay tất cả các bệnh nhân đều có kết quả tốt. Đến ngày 15/6, đã có 55 bệnh nhân ra viện. Trong số những ca điều trị bằng máy gia tốc, nhiều nhất là ung thư vú (29 ca) và ung thư vòm họng (16 ca). Ngoài ra còn có các ca ung thư cổ tử cung, phổi, não, xoang hàm...
Hiệu quả cao, độ an toàn lớn
Tại cuộc hội thảo về máy gia tốc do Viện tổ chức ngày 26-27/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cử, Trưởng khoa Xạ trị, Viện Ung thư Trung ương, cho biết, từ trước tới nay, việc xạ trị ung thư ở Việt Nam mới được thực hiện bằng máy Cobalt. Loại máy này không cho phép điều chỉnh liều xạ trị theo ý muốn, vì khi xuyên qua cơ thể, tia xạ sẽ giảm dần với tốc độ không đổi. Trái lại, với máy gia tốc, người sử dụng có thể thay đổi liều xạ trị cho phù hợp với tính chất và độ nông sâu của từng khối u khác nhau:
- Đối với những khối u nằm rất nông, khi tia xạ của máy cobalt xuyên qua da vào đến nơi thì liều xạ vẫn còn quá lớn so với yêu cầu (100% ở độ sâu cách mặt da 0,5 cm). Trường hợp này sẽ được xử lý rất tốt với máy gia tốc, bởi các chùm điện tử có thể giảm rất nhanh, đáp ứng yêu cầu điều trị. Hơn nữa, tia xạ sẽ mất hẳn ở độ sâu 5 cm. Cả hai điều này khiến những vùng lành ít bị tổn thương hơn.
- Đối với những khối u ở sâu, ví dụ như một khối u nằm giữa phổi, cách bề mặt da trung bình 8 cm, liều xạ của máy cobalt khi vào đến đây lại quá thấp, chỉ còn 40%, trong khi liều xạ của máy gia tốc có thể đạt 70%, giúp việc điều trị đạt hiệu quả.
Ngoài ra, máy gia tốc còn an toàn hơn vì nó ngừng phát tia khi tắt máy, còn ở máy cobalt thì chất phóng xạ vẫn phân rã liên tục.
Nhưng chi phí còn khá cao
Điều trở ngại lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi thiết bị này vào các bệnh viện, trung tâm ung bướu trong cả nước là chi phí mua sắm và xây dựng cơ bản cũng như chi phí bảo dưỡng hằng năm rất lớn. Theo bác sĩ Thợi, giá một chiếc máy là 21 tỷ đồng mà chỉ có thể sử dụng trong 15 năm. Phần lớn chi phí đã được nhà nước đài thọ, do đó bệnh viện chỉ thu của bệnh nhân một số tiền rất "tượng trưng" so với chi phí thực. Tuy nhiên, vì thời gian điều trị khá dài, trung bình là 2 tháng, nên số tiền mà bệnh nhân phải đóng cũng lên tới 1.000 USD. Đó là chưa kể trước khi tiến hành xạ trị, bệnh nhân còn phải chụp cắt lớp và làm nhiều xét nghiệm khác. Tại Mỹ, khi điều trị bằng phương pháp này, người bệnh có thể phải trả tới 30.000 USD.
Thanh Nhàn