Hạt và vỏ cây núc nác thuốc thanh nhiệt, tiêu viêm, chống dị ứng
Tác giả : Lương y HUYÊN THẢO
Ðại cương
- Tên khoa học: Oroxylum indicum (L.), Vent (Bignonia indica L., Calosanthes indica Blume); thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae).
- Tên khác: Núc nác còn có rất nhiều tên gọi khác, như mộc hồ điệp, ngọc hồ điệp, vân cố chỉ, bạch ngọc chỉ...
- Phân bố: Núc nác mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, miền Bắc cũng như miền Nam. Còn mọc ở Trung Quốc, Malaysia, Ấn Ðộ, Lào, Campuchia.
- Mô tả cây: Cây to cao 7-12m, có thể cao tới 20-25m, thân nhẵn, ít phân nhánh, vỏ cây màu xám tro, nhưng khi bẻ có màu vàng nhạt. Lá to 2-3 lần kép lông chim, dài tới 2m. Lá chét hình bầu dục, nguyên, đầu nhọn, dài 7,5-15cm, rộng 5-6,5cm. Hoa màu đỏ tím, to mẫm, mọc thành chùm ở đầu cành, dài tới 1m, 5 nhị trong đó có 1 nhị nhỏ hơn. Quả nang to, dài tới 50-80cm, rộng 5-7cm, trong chứa hạt, bao quanh có một màng mỏng, bóng và trong, hình chữ nhật.
Tác dụng dược lý
Có tác dụng chống viêm, chống dị ứng rõ rệt. Tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân bất lợi từ bên ngoài vào cơ thể. Làm giảm độ thấm của mạch máu (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
Sử dụng núc nác trong Ðông y
Trong Ðông y thường sử dụng 2 vị thuốc từ cây núc nác:
1. Mộc hồ điệp (Semen Oroxyli)
Là hạt phơi hay sấy khô của cây núc nác. Hạt núc nác làm thuốc có tên là mộc hồ điệp (Mộc là gỗ, cây; Hồ điệp là con bướm) vì hình dạng giống như con bướm. Muốn thu hoạch hạt, đợi tới cuối thu sang đông, hái lấy quả chín, phơi khô, mổ lấy hạt rồi lại phơi khô nữa để dành dùng dần. Dùng những hạt khô, màu trắng, còn nguyên là tốt.
- Bào chế: (1) Làm sạch (tịnh chế): Loại bỏ tạp chất, rây bỏ mạt vụn màu xám (Dược điển Trung Quốc). (2) Sao tẩm: a/ Tẩm muối: Lấy mộc hồ điệp đã tịnh chế, cho vào chảo, đun nhỏ lửa (văn hỏa) cho nóng, vừa sao vừa phun nước muối vào, sao đến khi rìa hạt có màu đen thì lấy ra, để nguội. Mỗi 1kg mộc hồ điệp dùng 1,86kg muối (cách chế ở Quý Châu, TQ). b/ Tẩm mỡ dê: Cho mỡ dê vào chảo đun cho nóng chảy, bỏ bã, cho mộc hồ điệp vào sao nhỏ lửa cho đến khi hơi ngả màu vàng thì lấy ra, để nguội (cách chế biến ở Vân Nam, TQ).
- Tính vị, quy kinh: Mộc hồ điệp có vị đắng, tính lạnh, vào 2 kinh can và phế.
- Công hiệu, chủ trị: Mộc hồ điệp có công dụng nhuận phế, thanh phế nhiệt, lợi yết hầu, thư can, hòa vị, sinh cơ. Chủ trị ho do phong nhiệt, ho gà (bách nhật khái), ho do lao, cổ họng sưng đau, khản tiếng, viêm phế quản cấp và mạn tính, yết hầu sưng đau, viêm amiđan, đau vùng gan, dạ dày, vết thương không liền miệng, dị ứng ngoài da. Ngoài ra, theo sách Ðiền Nam bản thảo: còn có tác dụng định suyễn, tiêu viêm, phá tích trệ, lại có thể bổ hư, khoan trung, tiến thực.
- Cách dùng và liều dùng: Dùng trong từ 6-9g sắc với nước, hoặc nghiền nhỏ uống. Dùng ngoài: giã đắp, dán lên vết thương.
2. Vỏ núc nác (Cortex Oroxyli)
Là vỏ thân phơi hay sấy khô của cây núc nác. Thầy thuốc Ðông y nước ta thường gọi là "Nam hoàng bá". Theo sách Nam Ninh thị dược vật chí: Có thể sử dụng vỏ núc nác thay cho hoàng bá. Vỏ núc nác có thể thu hoạch gần như quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân, hạ. Thường đẽo vỏ trên cây còn sống, ít nơi hạ cây. Vỏ núc nác màu nâu nhạt, trên có rất nhiều sẹo của cuống lá cũ và rất nhiều những đám nhỏ nổi lên, mặt trong khi còn tươi có màu vàng nhạt, không mùi, vị đắng, hơi hắc.
- Bào chế: Vỏ núc nác lấy về dùng tươi hay phơi khô, không phải chế biến gì.
- Tính vị: Vị hơi đắng, tính mát.
- Công hiệu, chủ trị: Thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc. Chủ trị viêm gan do nhiễm trùng, vàng da, viêm bàng quang, yết hầu sưng đau, thấp chẩn (eczema), ung nhọt lở loét.
- Cách dùng và liều dùng: Dùng trong từ 9-15g sắc nước uống. Dùng ngoài: Giã đắp hoặc nấu nước rửa.
Một số đơn thuốc có sử dụng núc nác
- Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
- Chữa viêm khí quản cấp tính, ho gà: Dùng mộc hồ điệp 4g, an nam tử 12g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g, khoản đông hoa 12g. Sắc lấy nước, thêm 60g đường phèn vào hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày (Hiện đại thực dụng trung dược). "An nam tử" là tên dùng trong đơn thuốc của vị "bạng đại hải", tức là hạt "lười ươi" (Sterculia lychnophora Hance.), có mọc ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị...
- Chữa họng sưng đau: Dùng vỏ núc nác 10-15g, sắc nước uống (Lĩnh Nam thảo dược chí).
- Thuốc dưỡng âm, chữa họng đau: Dùng mộc hồ điệp 10g, bạc hà 3g, huyền sâm 10g, mạch môn đông 10g, mật ong 20g. Các vị thuốc cho vào nồi, đổ ngập nước, giữ sôi nhỏ lửa 15 phút, chắt lấy nước, bỏ bã, hòa mật ong vào đun sôi lại là được. Chia nhiều lần uống trong ngày, uống ấm, nếu thuốc nguội cần hâm lại cho ấm (Gia đình thực liệu hiệu phương).
- Chữa viêm họng mạn tính: Dùng mộc hồ điệp 6g, hạt bí đao 10g, thêm chút đường trắng cùng sắc uống trong ngày (Gia đình thực liệu hiệu phương).
- Chữa ngoại cảm phong nhiệt hoặc can hỏa bốc ngược lên (can hỏa phạm phế) gây khản tiếng: Dùng mộc hồ điệp 20g, thuyền thoái (xác ve sầu) 20g; hãm với 1.200ml nước sôi, uống thay trà trong ngày (Gia đình thực liệu hiệu phương).
- Chữa đau dạ dày: Dùng vỏ núc nác, sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
- Chữa kiết lỵ, đau dạ dày ợ hơi, ợ chua: Dùng hạt núc nác phơi khô, tán thành bột mịn, hoặc sắc uống mỗi ngày 8-10g (Trồng hái và dùng cây thuốc).
- Chữa đau tức vùng hạ sườn (can khí thống): Dùng mộc hồ điệp 20-30 hạt, cho vào nồi đồng sao khô, nghiền thành bột mịn, hòa với rượu ngon, uống mỗi lần 3-6g (Cương mục thập di).
- Chữa viêm gan, viêm bàng quang: Dùng vỏ núc nác 15-30g, sắc nước uống (Quảng Tây trung thảo dược).
- Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu ra máu: Dùng vỏ núc nác, rễ cỏ tranh, cỏ mã đề - mỗi thứ một nắm; Sắc nước uống trong ngày (Trồng hái và dùng cây thuốc).
- Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Dùng vỏ núc nác 16g, chi tử (quả dành dành) 20g, mã đề thảo (lá và bông mã đề) 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, quế chi 4g, cam thảo đất 20g; Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Thuốc Nam và Châm cứu).
- Chữa bí tiểu: Dùng vỏ núc nác 16g, rau má tươi 20g, thạch hộc 12g, quả dành dành 12g, nhục quế 4g. Ðem 4 vị đầu sắc với 500ml nước, đun cạn còn 200ml, chia thành 2 lần uống khi đói. Nhục quế chia thành 2 phần, mỗi lần uống mài một phần vào nước thuốc uống (Thuốc Nam và Châm cứu).
- Chữa vết loét lâu ngày không liền miệng: Dùng vỏ núc nác tán bột rắc lên vết lở loét, mụn nhọt vỡ lâu ngày không liền miệng (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
- Chữa ung nhọt lở loét, thấp chẩn (eczema): Dùng vỏ núc nác giã nát đắp hoặc nấu nước rửa chỗ bị bệnh (Quảng Tây trung thảo dược).
- Chữa da lở ngứa, bệnh tổ đỉa ngứa giữa lòng bàn tay, lở loét do giang mai: Dùng vỏ núc nác, khúc khắc, mỗi vị 30g; Sắc nước uống trong ngày (Trồng hái và dùng cây thuốc).
- Chữa lở loét do sơn ăn: Vỏ núc nác tươi (số lượng tùy theo vết loét) giã nát, thêm rượu 30-400 vào, cứ 1 phần vỏ, 3 phần rượu, ngâm khoảng 2-3 giờ. Dùng rượu này bôi vào nơi lở sơn. Ngày bôi 3-4 lần. Chỉ 2-3 ngày là khỏi (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
- Chữa sâu răng do thận bị thấp nhiệt: Thục địa 20g, củ mài 16g, thổ phục linh, vỏ núc nác 12g (sao rượu), rễ cỏ xước 12g; Sắc nước uống. Bài thuốc có tác dụng bổ thận, thanh nhiệt, trừ thấp, dùng chữa răng sưng đau, lung lay, đau lưng, đau mắt, đau đầu, hoa mắt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác (Thuốc Nam và Châm cứu)