'Tắt' gene có thể ngăn chặn ung thư
Chuột khỏi bệnh ung thư gan sau khi dùng doxycyline |
Các tế bào ung thư gan đã biến trở lại thành tế bào bình thường, vô hại sau khi được "tắt' một loại gene duy nhất. Phát hiện này mở ra hướng điều trị mới đối với bệnh ung thư.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, California (Mỹ), phát hiện này có thể áp dụng với các căn bệnh ung thư thực quản, ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến, do tất cả các loại bệnh ung thư đều bắt đầu ở tế bào biểu mô và do một loại gene gây ra.
Loại gene này - vốn có chức năng kiểm soát sự phân chia tế bào - sản xuất ra protein MYC nên còn được gọi là gene Myc. Protein MYC khi xuất hiện với số lượng lớn sẽ đẩy nhanh tốc độ phân chia tế bào, làm phát sinh các khối u.
Trong nghiên cứu của mình, các chuyên gia đã sử dụng chuột bị biến đổi gene ở gan. Họ liên tục "bật" gene Myc để protein MYC được sản xuất ra ồ ạt, gây ung thư gan. Sau đó, họ cho chúng dùng thuốc kháng sinh doxycyline bằng cách trộn vào thức ăn.
Trong thời gian dùng doxycyline, các tế bào ung thư không phân chia và di căn thêm. Nhưng sau khi thôi dùng thuốc, lũ chuột bị ung thư gan rất nặng. Lúc này, các nhà nghiên cứu lại cho chúng dùng doxycyline trở lại và nhận thấy thuốc không những vô hiệu hoá được hoạt động của gene Myc, ngăn chặn triệt để sự phát triển của bệnh mà còn làm cho các tế bào ung thư trở về trạng thái bình thường và không bị tiêu diệt.
"Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi có thể làm cho tế bào ung thư trở về trạng thái bình thường. Các tế bào ung thư đã biến đổi thành nhiều loại tế bào khác nhau và giữ nguyên hiện trạng trong nhiều tháng. Tuy nhiên, chúng biến đổi trở lại thành tế bào ung thư ngay sau khi ngừng dùng thuốc", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Dean Felsher, nói.
Nhóm nghiên cứu cho biết sau khi ngừng dùng thuốc, các gene Myc sẽ "bật" trở lại, nhiều protein MYC lại tiếp tục được tạo ra và căn bệnh ung thư - vốn đang ở trong trạng thái "nằm chờ" - sẽ quay trở lại tấn công các tế bào đã từng bị ung thư trước đó. Điều này giải thích cho việc nhiều bệnh nhân sau khi chữa khỏi bệnh nhờ phương pháp hoá trị liệu đã bị ung thư trở lại sau khi điều trị.
"Cơ chế "tắt và bật" gene mang tính cá biệt ở chỗ chúng chỉ xuất hiện trong tế bào gan của chuột. Tế bào của người và động vật không có cơ chế này, nên không thể áp dụng kỹ thuật như đã làm với chuột lên cơ thể người. Mặc dầu vậy, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể trị ung thư bằng cách tấn công protein MYC", Felsher nhận định.
Việt Linh (theo BBC)