Độc tính trên tim của hóa chất trị ung thư
Hầu hết các hóa chất chống ung thư đều có độc tính cao đối với nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, trong đó có quả tim. Bên cạnh các tác dụng phụ thường gặp như gây viêm loét miệng, suy tủy xương, rụng tóc, buồn nôn..., một số loại hóa chất còn có thể gây tổn thương cơ tim dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc suy tim. Hầu hết các hóa chất cũng như tia xạ đều gây tổn thương tim bằng cách tạo ra các gốc ôxy hóa tự do.
|
Hóa chất trị ung thư gây độc cho tim |
Triệu chứng
Các biểu hiện thường gặp của nhiễm độc tim do hóa chất chống ung thư mà người bệnh có thể cảm nhận được là mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó thở tăng lên khi nằm, trống ngực đập mạnh, phù chân, đi tiểu ít. Thăm khám lâm sàng có thể thấy rối loạn nhịp tim, nghe tim có các tiếng thổi và một số biểu hiện của suy tim như nhịp tim nhanh, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Để có thể phát hiện sớm các tổn thương tim hóa trị liệu chống ung thư, cần theo dõi người bệnh chặt chẽ sau khi dùng thuốc, đặc biệt lưu ý sự xuất hiện của các rối loạn nhịp tim hoặc các dấu hiệu của suy tim.
Dự phòng
Một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm độc tim do các hóa chất chống ung thư như thay đổi liều dùng, cách dùng của thuốc, sử dụng các thuốc ít độc tính và dự phòng bằng thuốc.
Thay đổi liều dùng:
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc cơ tim, các hóa chất cần được sử dụng với tích lũy liều thấp nhất, đặc biệt là với nhóm anthracyclin. Các nghiên cứu cho thấy, nếu dùng doxorubicin với tổng liều dưới 550mg/m2 da, nguy cơ nhiễm độc cơ tim chỉ là 1%. Tuy nhiên, khi tích lũy liều tăng lên 560-1155mg/m2 da, nguy cơ nhiễm độc tim tăng lên tới 30%. Có sự khác biệt đáng kể giữa các cá thể về khả năng dung nạp doxorubicin, một số người có thể dùng liều rất cao mà không gây các bất thường ở tim, nhưng một số người dùng liều thấp (tổng liều dưới 550mg/m2) cũng gặp phải các tổn thương tim.
Thay đổi phương pháp dùng thuốc:
Có một số bằng chứng cho thấy, phương pháp dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm độc tim của thuốc. Truyền thuốc quá nhanh làm tăng nhanh nồng độ thuốc trong máu có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm độc tim. Cùng một lượng thuốc, nếu được truyền chậm trong một thời gian kéo dài có thể giúp giảm nguy cơ này so với việc truyền nhanh trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, nếu thuốc được sử dụng chia từng liều nhỏ với khoảng cách tương đối gần giữa các liều cũng giảm nguy cơ nhiễm độc tim so với việc dùng các liều cao với khoảng cách giữa các liều kéo dài.
Sử dụng các dẫn xuất anthracyclin liposomal ít độc tính:
Nguy cơ nhiễm độc tim do anthracyclin có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng các dẫn xuất anthracyclin liposomal như liposomal doxorubicin, pegylated liposomal doxorubicin. Trong các dẫn xuất này, anthracyclin được gói bọc trong các giọt mỡ nhỏ, nhờ đó sẽ lưu lại lâu hơn trong cơ thể và được phóng thích từ từ vào trong máu, không làm tăng cao nồng độ thuốc trong máu. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, dùng công thức liposomal doxorubicin giúp giảm rõ rệt nguy cơ nhiễm độc tim so với khi dùng công thức doxorubicin thông thường nhưng hiệu quả chống ung thư tương đương nhau.
Dùng thuốc dự phòng dexrazoxan:
Dexrazoxan được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm độc tim của doxorubicin bằng cách ngăn chặn sự tạo thành các gốc ôxy hóa tự do. Gốc ôxy hóa tự do là các phân tử kém bền vững, được tạo ra trong cơ thể từ các phản ứng ôxy hóa hoặc do sự tiếp xúc của cơ thể với một số yếu tố môi trường như khói thuốc lá, tia xạ, hóa chất.
Điều trị
Cũng như với mọi tác dụng phụ khác của thuốc, ngưng hoặc giảm liều của thuốc gây độc cho tim là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất, cần được làm ngay khi có thể. Tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim do hóa trị liệu chống ung thư cũng được điều trị tương tự như do các nguyên nhân khác. Các thuốc chính được sử dụng trong điều trị suy tim là thuốc lợi tiểu (như furosemid, veospiron), thuốc trợ tim (như digoxin), thuốc ức chế men chuyển (như benazepril, enalapril và fosinopril) và thuốc chẹn bêta giao cảm (như metoprolol, propranolol và atenolol). Tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp tim gặp trên điện tâm đồ, một số thuốc điều trị loạn nhịp tim có thể được sử dụng như amiodaron, mexiletil, propafenon...
(Nguồn Sức khỏe & Đời sống)