Bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tiền liệt tuyến đang xâm lấn. |
Người mắc bệnh này sẽ bị giảm tuổi thọ trung bình 9 năm, kèm theo sự suy giảm chất lượng sống do biến chứng (liệt 2 chân do di căn xương sống, tắc đường tiểu và suy thận do xâm lấn tại chỗ...).
Tiền liệt tuyến nằm ngay phía dưới cổ bàng quang, nơi bắt đầu của niệu đạo. Nó nặng khoảng 20 g và góp phần sản sinh ra tinh dịch. Ở người cao tuổi, tiền liệt tuyến dễ phát triển lớn, gây triệu chứng bế tắc đường tiểu, đôi khi dẫn đến ung thư. Đây là một bệnh nan y nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị triệt để thì bệnh nhân có thể sống thêm được trên dưới 10 năm.
Trên thế giới, ung thư tiền liệt tuyến chiếm 10% trong số các ung thư ở phái nam. Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ này là 15% và bệnh đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Tại Mỹ, đây là loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới. Ở giai đoạn sớm, khối u còn khu trú ở trong tuyến và không có biểu hiện lâm sàng, chỉ chẩn đoán được nhờ sinh thiết và làm giải phẫu bệnh. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến bị tiểu khó hoặc bí tiểu do ung thư xâm lấn vào niệu đạo, hoặc đau xương do di căn xương chậu, cột sống.
Các biến chứng của bệnh gồm di căn xương sống làm liệt 2 chân, xâm lấn tại chỗ gây bế tắc đường tiểu và suy thận, xâm lấn qua trực tràng làm bế tắc, không đi cầu được phải mở hậu môn tạm. Do đó, nếu bệnh nhân còn có khả năng sống thêm 10 năm và bệnh còn ở giai đoạn khu trú, chưa di căn qua hạch hoặc xương, các bác sĩ sẽ điều trị triệt để.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến gồm tuổi tác, yếu tố gia đình, việc tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ, ăn nhiều thịt, mỡ động vật, hoạt động tình dục nhiều (vấn đề này đang gây tranh cãi), phì đại tiền liệt tuyến, thắt ống dẫn tinh (sau 20 năm, nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến mới tăng), thiếu sinh tố D.
Các yếu tố giúp giảm nguy cơ bệnh gồm lycopene (có nhiều trong cà chua, giúp giảm 21% nguy cơ mắc bệnh), các vitamin A, E, selen, isoflavonoids và lignans (2 chất này có nhiều trong đậu nành và những loại rau khác). Hoạt động thể dục thể thao đều đặn cũng giúp dự phòng ung thư tuyến tiền liệt.
Hiệp hội Ung thư và Hiệp hội Niệu khoa Mỹ khuyên nam giới trên 50 tuổi tầm soát ung thư tiền liệt tuyến mỗi năm. Các phương pháp được thực hiện gồm thăm khám tiền liệt tuyến bằng ngón tay qua ngả trực tràng, xét nghiệm máu PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến) và siêu âm tiền liệt tuyến qua trực tràng.
Việc điều trị thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh, tuổi bệnh nhân và nhất là ý kiến của chính bệnh nhân sau khi được bác sĩ giải thích rõ ràng. Có 3 phương pháp chính: phẫu thuật, hóa trị (dùng thuốc) và xạ trị.
Nếu ung thư đã xâm lấn ra ngoài vỏ bọc hoặc di căn ra nơi khác thì vấn đề điều trị chỉ là tạm thời, có thể nội soi cắt đốt u để bệnh nhân đi tiểu được, phần lớn mô tuyến ung thư được để lại. Sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ nguồn nội tiết androgen ảnh hưởng lên khối u bằng cách cắt bỏ 2 tinh hoàn hoặc tiêm thuốc ức chế androgen. Người bệnh sẽ được theo dõi bằng PSA, nếu PSA tăng gấp đôi trị số ban đầu, cần điều trị ngay bằng thuốc hoặc tia.
Nếu bệnh ở giai đoạn còn khu trú, chưa di căn và thời gian sống thêm khoảng 10 năm (bệnh nhân dưới 70 tuổi), người ta thường chọn phương pháp điều trị triệt để mổ cắt toàn phần tiền liệt tuyến để lấy hết khối ung thư. Tuy nhiên, phẫu thuật này cũng có những biến chứng như tiểu không kiểm soát một vài tháng trước khi trở lại bình thường, vì hệ thống cơ vòng giữ nước tiểu đã bị lấy đi cùng với tiền liệt tuyến. Hiện nay, các bác sĩ cố gắng bóc tách khéo léo và giữ lại thần kinh giúp cương dương vật nên số bệnh nhân mất khả năng sinh lý sau mổ giảm đáng kể.
Nếu phát hiện ung thư tuyến tiền liệt còn khu trú ở một người cao tuổi với thời gian hy vọng sống không lâu thì nên theo dõi hơn là điều trị triệt để (vì dễ có nhiều biến chứng kèm theo). Hơn nữa, loại ung thư này tiến triển rất chậm và nhiều khả năng người bệnh sẽ tử vong vì một nguyên nhân khác chứ không phải do ung thư.
Phương pháp xạ trị có thể áp dụng cho bất cứ giai đoạn bệnh nào. Tuy nhiên khi có biến chứng bế tắc đường tiểu, suy thận hay xâm lấn qua trực tràng, bệnh nhân đều phải được can thiệp phẫu thuật.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)