PHÁ UNG THƯ GAN BẰNG SÓNG RADIO
Tác giả : BS. NGUYỄN QUANG THÁI DƯƠNG (Bộ môn Chẩn đoán Hình ảnh – ĐH. Y khoa Yonsei, Hàn Quốc)
Có nhiều phương pháp để điều trị khối u gan, trong đó phương pháp kinh điển là phẫu thuật cắt bỏ u. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân phần lớn bệnh nhân ung thư gan lại không thể phẫu thuật. Phá u bằng sóng RFA (Radio Frequency Ablation Of Live Tumor) là một trong những phương pháp điều trị ung thư gan đầy triển vọng và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.
RFA LÀ GÌ?
RFA là phương pháp sử dụng tần số radio tạo nhiệt để phá hủy u. Dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp điện toán cắt lớp (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), một kim (đóng vai trò điện cực) được đưa vào khối u (đâm xuyên vào khối u khoảng 5mm), dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt để phá hủy u. Máy RFA rất nhỏ gọn, cơ động và kim có thể sử dụng nhiều lần. RFA có thể thực hiện theo đường qua da (percutaneous) hoặc trong phẫu thuật (mổ hở hoặc mổ nội soi, kết hợp điều trị sau phẫu thuật cắt u nguyên phát). Thông thường RFA được thực hiện qua da, đây là phương pháp ít gây khó chịu cho bệnh nhân, không cần gây mê và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.
CHỈ ĐỊNH
Hai loại u ở gan thường được điều trị bằng RFA là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan di căn từ ung thư đại tràng. Với những bệnh nhân không thể phẫu thuật do ung thư nhiều nốt, vị trí khối u, tổng trạng không thể phẫu thuật, hoặc phẫu thuật cắt đi thể tích gan lớn ảnh hưởng trên chức năng gan, RFA có thể thực hiện nhiều lần tùy theo tình trạng bệnh và kết quả theo dõi sau khi thực hiện RFA lần đầu.
U có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2cm thường cho kết quả tốt nhất.
Các chống chỉ định tương đối như u nằm gần các mạch máu lớn, các cơ quan như tim và ruột, u nằm sát bao gan hoặc bệnh nhân bị rối loạn về chức năng đông máu.
Không thực hiện RFA nếu u có di căn ngoài gan.
QUI TRÌNH THỰC HIỆN
Cần có các kết quả xét nghiệm về chức năng đông máu, các kết quả hình ảnh (siêu âm, CT hoặc MRI) và xét nghiệm chẩn đoán xác định bản chất khối u (như xét nghiệm đánh dấu ung thư - cancer markers).
Thủ thuật thường được thực hiện trong phòng hình ảnh can thiệp (interventional room) hoặc tại phòng mổ (nếu thực hiện kết hợp với mổ nội soi hoặc mổ hở).
Bệnh nhân thường chỉ cần gây tê tại chỗ; thời gian thực hiện khoảng 20-30 phút (tùy thuộc vào vị trí, kích thước của khối u).
Bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau, kháng sinh phòng ngừa và được theo dõi vài giờ sau khi thực hiện thủ thuật RFA trước khi xuất viện.
CÁC NGUY CƠ, BIẾN CHỨNG VÀ GIỚI HẠN CỦA RFA
RFA là phương pháp điều trị khác hẳn với điều trị tắc động mạch gan TACE (Transhepatic Arterial Chemoembolization). TACE góp phần chẩn đoán bằng quang mạch động mạch gan để góp phần xác định chẩn đoán trước khi điều trị.
Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như khó chịu, đau lan lên vai, nôn ói và nóng rát. Có thể khắc phục các triệu chứng này bằng thuốc giảm đau. Thường bệnh nhân bình phục hoàn toàn sau 1-2 tuần.
Các giới hạn chủ yếu là không thể thực hiện thao tác đối với một số vị trí (do không chọn được đường để đâm kim vào), u to (kết quả không tốt), chảy máu (do u nằm sát bao gan), tạo máu cục hoặc làm hẹp đường mật nếu u nằm sát hệ thống cửa - đường mật.
Với sự tiến bộ của các thiết bị chẩn đoán hình ảnh và máy RFA, thủ thuật điều trị phá u bằng sóng radio rất hiệu quả trong các trường hợp u được phát hiện sớm với kích thước nhỏ. Thủ thuật được thực hiện nhanh với hiệu quả cao và bệnh nhân không cần nhập viện cũng như phẫu thuật không cần thiết. Cùng với các phương pháp điều trị u gan như phẫu thuật, TACE; chắc chắn RFA sẽ là một phương pháp điều trị u gan không thể thiếu trong các bệnh viện
Chú thích ảnh:
- Hình ảnh u bị phá hủy.
- Thiết bị RFA thế hệ mới nhỏ gọn.