Hẹp bao quy đầu dễ dẫn đến ung thư dương vật
Không phải ai bị hẹp bao quy đầu cũng đều bị ung thư dương vật, nhưng tất cả bệnh nhân ung thư dương vật đều bị chít hẹp bao quy đầu. Bởi vậy, các thầy thuốc khuyên rằng nếu bị hẹp, nên cắt bao cho quy đầu lộ ra.
Bình thường, trước tuổi trưởng thành, "bao da" vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu. Đến tuổi trưởng thành, miệng bao quy đầu rộng dần, thể xốp phát triển, làm quy đầu lộ ra. Sau khi xây dựng gia đình thì quy đầu lộ hoàn toàn.
Đến tuổi trưởng thành, nếu bao da vẫn phủ lên quy đầu nghĩa là bạn đã bị hẹp. Việc giữ vệ sinh sẽ khó khăn: các chất khoáng trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu ngoài sẽ đọng lại ở phần giữa bao và quy đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển rất nhanh chóng, đôi khi gây nhiễm trùng quy đầu và là yếu tố thuận lợi cho ung thư dương vật. Do vậy, nếu bị hẹp, tốt nhất là đến bệnh viện để cắt bao da.
Từ 4.000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã biết cắt bao quy đầu cho trẻ em như một cách giữ gìn vệ sinh và cũng là để tuân theo luật lệ tôn giáo. Trước bia mộ Ankhmahor tại Sakkara (Ai Cập) hiện vẫn giữ bức hình chạm khắc về thủ thuật cắt bao quy đầu. Người Do Thái cũng có tục lệ này từ rất lâu trước khi Chúa giáng sinh. Do đó, trong cộng đồng này hầu như không có ai bị ung thư dương vật.
Tuy nhiên, để an toàn khi cắt bao quy đầu, phải chú ý vệ sinh chống nhiễm trùng; nếu không thì dễ "cái sảy nảy cái ung". Chỉ nên cắt da bao quy đầu tại bệnh viện. Đây là tiểu phẫu thuật đơn giản, có thể làm ở bất kỳ bệnh viện nào có bác sĩ ngoại khoa. Bệnh nhân có thể về nhà ngay và sau 6-7 ngày thì vết cắt lành hẳn.
BS. Vũ Hướng Văn, Sức Khoẻ & Đời Sống