Phát hiện nguồn gốc ung thư ở bệnh nhân HIV
Bệnh nhân HIV/AIDS rất dễ mắc một loại ung thư tên là Kaposi với khối u ác tính xuất hiện trên da. Nguyên nhân, theo các nhà khoa học Anh, là do một loại virus "tái lập trình" các tế bào trong niêm mạc của mạch bạch huyết và biến chúng thành ung thư.
Căn bệnh ung thư Kaposi quái ác được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1872. Bệnh phát triển trong các mạch bạch huyết - mạng lưới lưu thông của hệ miễn dịch trong cơ thể. Những người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc bệnh nhân cấy ghép rất dễ mắc bệnh do có hệ miễn dịch suy yếu. Kaposi có thể còn gây tổn thương nghiêm trọng ở phổi và ruột. Do liên quan đến HIV/AIDS, nên các nước châu Phi cận Sahara có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trên thế giới. Cho đến nay, xạ trị là liệu pháp tốt nhất, song trong trường hợp di căn thì hóa trị tỏ ra hiệu nghiệm hơn.
Qua phân tích gene của các tế bào ung thư Kaposi, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Ung thư Anh phát hiện ra chúng rất giống với các tế bào niêm mạc ở mạch bạch huyết. Thủ phạm gây bệnh - virus herpes Kaposi (KSHV) - bằng cách nào đó đã biến tế bào niêm mạc trong mạch máu thành tế bào niêm mạc bạch huyết bị ung thư. Không những thế, số lượng phần tử kích thích các tế bào niêm mạc bạch huyết này tăng sinh có liên quan mật thiết đến sự phát triển của bệnh.
"Giờ đây chúng ta đã biết được bệnh ung thư Kaposi có nguồn gốc từ loại tế bào nào" - giáo sư Chris Boshoff, Trưởng nhóm nghiên cứu nhận định - "Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể phát hiện những người có nguy cơ mắc Kaposi cao bằng cách xác định thành phần kích thích tế bào niêm mạc bạch huyết trong máu". Đây sẽ còn là nền tảng cho việc nghiên cứu sâu hơn những căn bệnh ung thư do virus gây nên như ung thư cổ tử cung.
Mỹ Linh (theo BBC)