Những biểu hiện đau ở vú
Cảm giác đau ở vú thường chỉ là hiện tượng sinh lý, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó như viêm khớp, viêm đốt sống cổ hoặc bệnh ở túi mật, phổi... Tuy nhiên, việc phân biệt các nguyên nhân gây đau không phải dễ dàng.
Khi có cảm giác đau ở vú, dù là mơ hồ hay cụ thể, bạn cũng nên đi khám ngay để biết được nguyên nhân chính xác và có hướng xử lý thích hợp, nhằm phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Đau theo chu kỳ kinh nguyệt
Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra trước ngày hành kinh. Khi đó, oestrogen tiết ra nhiều sẽ kích thích sự tăng trưởng của các tuyến sữa, khiến chúng to ra và gây cảm giác đau. Cảm giác đau khác nhau ở hai bên vú. Có người đau ít, có người đau nhiều. Cũng có người đau từ ngày rụng trứng đến khi có kinh.
Nếu chỉ đau nhẹ, bạn hãy chờ nó qua. Còn nếu đau nhiều, bạn có thể dùng thuốc giảm đau hoặc nội tiết tố.
Đau vú không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Loại này ít gặp hơn, thường khu trú tại một điểm cố định và bạn có thể chỉ đích xác chỗ đau. Đau không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và có thể bắt nguồn từ những nơi khác ngoài vú. Để xác định chính xác nguồn gốc của triệu chứng đau, bạn phải đi gặp bác sĩ:
- Nếu là đau ở vú, bạn sẽ được siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm nội tiết... để tìm ra nguyên nhân gây đau và có hướng điều trị thích hợp.
- Nếu đau không phải ở vú thì có mấy khả năng sau:
+ Viêm khớp (nơi nối các xương sườn và xương ức): Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc kháng viêm, giảm đau là hết.
+ Có một dây thần kinh bị kẹp lại ở cổ: Chụp X-quang cột sống cổ sẽ thấy có hiện tượng thoái hóa cột sống hoặc viêm đốt sống, viêm các khớp giàn đốt sống. Những lồi xương mới mọc ở hai bên đốt sống đã ép vào các dây thần kinh, gây ra triệu chứng đau ở cổ, vai, cánh tay hoặc bàn tay và vú. Có thể điều trị bằng thuốc giảm đau, xoa bóp tập vật lý trị liệu và thực hiện các bài tập thể lực nhằm tăng cường sức khỏe cho các cơ cổ và vai.
+ Viêm tĩnh mạch vú: Khi sờ nắn và khám vú, bạn sẽ có cảm giác như đang sờ vào một sợi dây ở phía trong. Nếu chưa có điều kiện đến bác sĩ, bạn có thể tự chăm sóc bằng cách kết hợp chườm nóng lạnh. Sau đó, bác sĩ sẽ điều trị thêm bằng các thuốc thích hợp. Tuy nhiên, bệnh này rất hiếm khi xảy ra.
BS Bùi Thanh Vân, Sức khỏe & Đời sống