Làm thế nào phát hiện sớm ung thư gan?
Loại ung thư gan thường gặp là ung thư phát triển từ những tế bào gan ác tính. Bệnh phát sinh ở những người bị xơ gan do virus B, C hoặc ăn phải thức ăn nhiễm nấm độc. Cần siêu âm và xét nghiệm máu để sớm phát hiện bệnh.
Các triệu chứng thường gặp:
- Khi u còn nhỏ dưới 5 cm, bệnh không có biểu hiện đặc trưng. Phải đến khi u phát triển hoặc lan ra các bộ phận khác, gây tắc nghẽn ống mật, bệnh nhân mới bị đau bụng, ăn uống kém, mệt mỏi, sút cân, vàng da, vàng mắt, phù thũng.
- Xuất hiện một số thay đổi về chuyển hóa toàn thân như hạ glucoza huyết, tăng hồng cầu thức phát, tăng hồng cầu thứ phát, tăng canxi huyết, tăng lipid huyết.
Cách phát hiện sớm:
- Siêu âm và xét nghiệm máu tìm chất alpha fetoprotein (AFP) hai năm một lần. Sự xuất hiện AFP trong máu có nghĩa là đã có sự biến đổi về tế bào gan và tỷ lệ ung thư cao. Tuy nhiên, AFP trong máu không đặc trưng cho ung thư gan vì người bị viêm gan cũng có. Ngoài ra, AFP không nhạy lắm vì khoảng 20% bệnh nhân ung thư vẫn có máu bình thường, nhất là khi khối u nhỏ hơn 3 cm.
- Người có virus viêm gan B trên 35 tuổi hay trong gia đình có người bị ung thư gan cần phải thử máu đo AFP và chất men chuyển hóa amin mỗi năm một lần.
Một số phương pháp điều trị mới:
- Cắt gan toàn bộ, kết hợp với ghép gan. Việc ghép gan chỉ có thể thực hiện được nếu u nhỏ hơn 5 cm và không có nhiều hơn 3 bướu ung thư trong gan.
- Cắt bỏ ung thư gan: nếu bị ung thư gan nhưng chưa xơ nặng thì có thể phẫu thuật cắt bỏ vùng ung thư gan, nhất là khi ung thư nhỏ hơn 5 cm. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, 50% ung thư gan có thể mọc trở lại trong vòng 5 năm.
- Phương pháp chích cồn nguyên chất vào ung thư gan: trên 90% tế bào ung thư gan chết sau khi bị chích cồn. Tuy nhiên, liệu pháp này không hiệu quả đối với khối u to trên 3 cm.
- Phương pháp làm nghẽn mạch máu nuôi ung thư bằng cách đặt chất cao su bọt hoặc vòng xoắn trộn chung với hóa chất trị ung thư vào mạch máu nuôi gan. Biện pháp này giúp mạch máu bị nghẽn, khiến tế nào ung thư chết đi do không tiếp nhận được chất bổ dưỡng và oxy qua đường máu.
Giáo sư Lê Sĩ Liêm, Sức Khỏe & Đời Sống