Biếng ăn có thể ngừa... ung thư vú
Hạn chế hấp thu calorie không hoàn toàn gây hại cho sức khỏe. |
Phụ nữ trẻ mắc chứng biếng ăn có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú thấp hơn người bình thường 50%, các nhà khoa học Mỹ và Thuỵ Điển tuyên bố. Điều này chứng tỏ lượng calorie hấp thu vào những giai đoạn phát triển quan trọng có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển bệnh.
Người ta từng khuyến cáo phụ nữ và những cô gái trẻ không nên tự bỏ đói bản thân, vì chán ăn là một rối loạn thần kinh nghiêm trọng, có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard (Mỹ) và Viện Karolinska (Thuỵ Điển) cho rằng, biếng ăn có thể không thực sự gây hại cho phụ nữ. Họ đã tiến hành theo dõi trên 7.000 phụ nữ Thuỵ Điển dưới 40 tuổi, từng nhập viện vì chứng biếng ăn trước tuổi 20 từ năm 1965 đến 1998.
Vào cuối giai đoạn nghiên cứu, nhóm chỉ phát hiện ra 7 người phát triển ung thư vú, trong khi có tới 15 trường hợp mắc bệnh ở nhóm phụ nữ bình thường cùng số lượng. Mức độ chênh lệch tương đương 53%. Điều này chứng tỏ trong 1.000 phụ nữ biếng ăn sẽ có 1 người phát triển bệnh ung thư vú, so với 2 người trong nhóm bình thường.
Nhóm nghiên cứu đang tìm cách lý giải hiện tượng trên. Song giả định ban đầu đang tập trung vào sự khác biệt về lượng oestrogen - loại hoóc môn thúc đẩy sự phát triển bệnh ung thư vú. Theo tiến sĩ Karin Michels, trưởng nhóm nghiên cứu, chính sự hạn chế hấp thu calorie vào những giai đoạn phát triển quan trọng đã làm giảm lượng oestrogen và những một số hoóc môn khác kích thích sự phát triển của khối ung thư. Đặc biệt, những cô gái lười ăn thường tắt kinh rất sớm, làm giảm đáng kể lượng oestrogen. Ngoài ra, sự hạn chế calorie vào giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành còn khống chế quá trình phân bào của các tế bào vú, giảm nguy cơ đột biến gây ung thư.
Phát hiện trên đã nhận được sự ủng hộ của một số nghiên cứu trên động vật trước đó, cho thấy sự hạn chế hấp thu calorie có thể chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc ung thư và kéo dài tuổi thọ.
Mỹ Linh (theo AP)