Thử nghiệm phân giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng
Một khối u ở đại tràng. |
Các nhà khoa học Mỹ cho biết họ đã tìm ra cách chẩn đoán sớm bệnh ung thư đại tràng mà không hề gây đau đớn cho người bệnh. Xét nghiệm dựa vào sự hiện diện của một lượng hết sức nhỏ các gene gây ung thư trong phân. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới trong chẩn đoán sàng lọc ung thư đại tràng.
Hiện tại, để phát hiện các ca ung thư loại này, bác sĩ thường phải tìm máu trong phân người bệnh. Thử nghiệm có thể phát hiện sớm bệnh ung thư đại tràng nhưng lại bỏ qua một số dạng ung thư, với nhiều ca dương tính giả (người không có bệnh bị chẩn đoán nhầm là có bệnh).
Ung thư và đột biến gene
Ung thư bắt đầu với đột biến gene khiến tế bào mất đi khả năng kiểm soát sự phát triển của chính mình. Bệnh ung thư đại tràng xuất hiện khi 4 hoặc 5 gene bị đột biến. Trong hơn 90% trường hợp, sự thay đổi đầu tiên xuất hiện ở gene APC, còn gọi là gene ức chế ung thư (vì nó giám sát những gene điều hòa chu kỳ sinh trưởng - chết của tế bào). Nhiệm vụ của các nhà khoa học là tìm trong phân gene APC của các tế bào ung thư, và lọc ra những gene bị đột biến. Đây là công việc hết sức khó khăn vì mỗi tế bào của người có tới 35.000 gene. Hơn thế nữa, tỷ lệ gene của người và của vi khuẩn trong phân là 1/1 tỷ.
Các bác sĩ tại Trung tâm Ung thư Johns Hopkins Kimmel tại Baltimore (Mỹ) đã thành công trong việc tạo nên một thử nghiệm có độ chính xác cao và không cho kết quả dương tính giả. Kết quả nghiên cứu trên 74 bệnh nhân cho thấy, có thể tìm được gene đột biến ở 57% người bị ung thư giai đoạn sớm hoặc người có khối u tiền ung thư. Các tác giả cho biết, họ có thể làm tăng độ chính xác của thử nghiệm lên thành 70% mà không làm tăng kết quả dương tính giả.
Càng sớm càng tốt
Bác sĩ Bert Vogels, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, về lý thuyết, tất cả các bệnh ung thư đại tràng đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh là hết sức quan trọng.
Xét nghiệm này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và phải mất vài năm nữa mới có thể đi vào sử dụng. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Anh Mới ngày 31/1.
Thu Thủy (theo AP)