Người trẻ cũng bị ung thư đại trực tràng
Ăn quá nhiều đạm cũng dễ dẫn đến ung thư đại trực tràng. |
Bệnh này thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi do lối sống ít vận động và ăn nhiều thịt, ít rau quả. Tuy nhiên, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM ngày càng tiếp nhận nhiều thanh niên 17-18 tuổi đến điều trị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, phải dùng giải pháp hậu môn nhân tạo.
Tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, mỗi năm có khoảng 100 người mắc ung thư đại trực tràng có chỉ định mở hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, phẫu thuật viên của bệnh viện cho biết, hậu môn nhân tạo được áp dụng khi ruột không thể lưu thông bình thường, phần lớn do ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn hoặc có khối u nằm gần hậu môn.
Tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, có đến 1/3 số bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến khám muộn. Trong số người đến sớm, khoảng 50% có khối u nằm sâu nên vẫn phải mở hậu môn nhân tạo. Theo bác sĩ Phạm Hùng Cường, Phó khoa Ngoại 2, các nước tiên tiến có ít chỉ định mở hậu môn nhân tạo vì bệnh thường được phát hiện sớm và kỹ thuật nối ruột tiến bộ hơn.
Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ phát hiện bệnh sớm có tăng do phương tiện chẩn đoán hiện đại hơn nhưng số người phải mang hậu môn nhân tạo trong khi ung thư không được điều trị khỏi vẫn còn cao. Trong 100 bệnh nhân có chỉ định mở hậu môn nhân tạo vĩnh viễn tại Bệnh viện Ung Bướu mỗi năm, chỉ 1/4 được chữa khỏi ung thư và cuộc sống của họ vẫn kéo dài một cách bình thường. Theo các bác sĩ, tầm soát bệnh 6 tháng một lần sẽ giúp phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Gần đây, số người trẻ tuổi mắc ung thư đại trực tràng đang tăng lên. Ở bệnh nhân càng trẻ, ung thư phát triển càng nhanh và cũng khó điều trị hơn. Cứ 6 tháng, khối u sẽ lan rộng khoảng 1/4 diện tích trực tràng và sau 2 năm sẽ chiếm gần trọn chu vi. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn khá nặng và đã có những triệu chứng rõ ràng như bụng chướng, đau quặn bụng, tắc ruột, đi cầu ra máu, đau nhiều ở hậu môn... Ở giai đoạn sớm, bệnh không có những triệu chứng đặc hiệu cho ung thư nên khó phân biệt như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón.
Có những người trẻ tuổi mặc dù phát hiện bệnh sớm nhưng không chịu mở hậu môn nhân tạo. Họ thà chấp nhận bệnh chứ không chịu cảnh suốt đời mang hậu môn giả bên hông. Đến khi bệnh diễn tiến nặng gây đau đớn, tắc ruột, họ mới quay lại gặp bác sĩ thì đã muộn. Khi đó, họ vẫn phải mang hậu môn giả mà khả năng khỏi hẳn bệnh không cao.
(Theo Người Lao Động)