Phơi nắng khi nhỏ - ung thư da khi trưởng thành
Các bậc phụ huynh không nên cho con trẻ phơi nắng. |
Các nhà khoa học thuộc Viện Ung bướu Quốc gia tại Bethesda, bang Maryland (Mỹ), vừa đưa ra kết luận là những trẻ hay phơi nắng từ khi còn bé rất dễ bị một dạng bệnh ung thư da nguy hiểm là u hắc tố (melanoma).
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên chuột được biến đổi gene sao cho da của chúng giống với da người. Kết quả là sau khi tiếp xúc với tia cực tím (UV) liều cao, các chú chuột con đã mắc bệnh u hắc tố khi tới tuổi trưởng thành. Một liều tia cực tím cũng đủ gây bệnh này ở chuột con. Trong khi với chuột trưởng thành, lượng tia này phải cao gấp 30 lần mới gây được hiệu quả tương tự. Có thể là tia cực tím đã tấn công tế bào hắc tố, làm thay đổi cấu trúc di truyền của chúng và gây ra một số loại u hắc tố.
Theo các tác giả, ánh nắng mặt trời cũng có tác hại tương tự với người. Trẻ nhỏ và trẻ em đặc biệt nhạy cảm vì da của chúng chứa nhiều tế bào hắc tố chưa trưởng thành. Khi tiếp xúc với tia cực tím, các tế bào này có thể phân chia và tái tạo nhanh hơn so với tế bào trưởng thành. Khi đó, các tế bào có ADN bị tổn thương cũng sẽ chớp thời cơ, tăng sinh mạnh mẽ và tạo nên các khối u.
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tìm mọi cách tránh không cho trẻ phơi nắng. Khi ra ngoài trời, cần cho trẻ đội mũ, dùng kem chống nắng và không tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời.
Bệnh u hắc tố chiếm 10% các bệnh ung thư da và có thể lan truyền nhanh chóng trong toàn bộ cơ thể, tạo ra các khối u khác ở gan, phổi, xương và não.
Thu Thủy (theo BBC)