Sử dụng chất nhạy quang trong điều trị ung thư tại Việt Nam
Trong điều trị ung thư, bên cạnh 3 phương pháp cổ điển là phẫu thuật, tia xạ và hóa chất, xuất hiện một kỹ thuật mới mang tên quang động học liệu pháp (Photodynamic Therapy - PDT). Người ta lợi dụng khả năng xâm nhập có chọn lọc vào tế bào ung thư của chất nhạy quang để đánh dấu khối u và tiêu diệt chúng.
Năm 1998, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Stranadko, chuyên gia hàng đầu về PDT của Nga, Bệnh viện Việt Đức bắt đầu áp dụng kỹ thuật này vào điều trị ung thư. Phương pháp PDT là sự kết hợp của 2 yếu tố: chất nhạy quang (photosensitizer) và ánh sáng (laser).
Chất nhạy quang được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch sẽ chỉ đọng lại ở các tế bào ung thư. Sau 24 giờ, khối u đã "ngấm" thuốc sẽ hiển thị trên màn hình. Khi này, các tế bào bệnh lý rất dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng. Việc dùng tia laser chiếu vào khối u sẽ gây hoại tử tổ chức trong những giờ đầu hoặc những ngày đầu sau điều trị.
Thành công ban đầu
Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Nhâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viên Việt Đức, người trực tiếp phụ trách đơn vị laser, cho biết, Bệnh viện đã áp dụng PDT để điều trị thành công một số bệnh nhân ung thư da và não. Các bước thực hiện như sau:
- Tiêm chất nhạy quang cho bệnh nhân, rồi để họ nằm chờ trong phòng tối (khi này người bệnh trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng).
- Sau 24-48 giờ: Cắt bỏ khối u ở não (nếu là ung thư da thì không phải cắt).
- Dùng tia laser hơi vàng chiếu vào vùng tổn thương khoảng 25-35 phút (tùy kích thước khối u).
Kết quả thu được khá tốt:
- Ung thư da: Sau 10 ngày, hết u sùi trên bề mặt da, diện tích vết loét thu hẹp.
- Ung thư não: Bệnh nhân tỉnh táo, tự đi lại được, có trường hợp trước mổ bị liệt, sau mổ đã phục hồi hoàn toàn.
Một số ưu điểm
Phương pháp PDT có các ưu điểm sau:
- Các mô lành liền kề không bị ảnh hưởng.
- Chưa gặp hiệu ứng phụ đáng kể.
- Có thể kết hợp với các phương pháp chống ung thư khác.
- Hiệu quả với các khối u không nhạy cảm với hóa chất và tia xạ, nhất là u não.
- Riêng tại Việt Nam, do cho phí cho những đợt hóa trị rất lớn nên nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật không được điều trị thêm. Kết quả là thời gian sống của họ ngắn và bệnh hay tái phát. Việc áp dụng PDT có thể giúp khắc phục phần nào khó khăn này. Tuy nhiên, giá thành của thuốc nhạy quang vẫn còn cao (thuốc của Nga giá 2 triệu đồng/liều, thuốc của Mỹ giá 30 triệu đồng/liều).
Kỹ thuật PDT được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1978, tại Bệnh viện Mayor Clinic (Mỹ) bởi Dougherty. Sau đó, nó đã nhanh chóng được các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Nga và các nước châu Âu áp dụng, chủ yếu là để điều trị ung thư não. Phương pháp này cũng được áp dụng cho ung thư phổi, bàng quang, ung thư ở nông (da, mặt).
BS Thu Thảo