VỀ KHÁI NIỆM UNG THƯ TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Nếu y học hiện đại coi ung thư (cancer) là một căn bệnh ác tính, khó trị và thường dẫn đến tử vong thì y học cổ truyền phương Đông lại quan niệm về ung thư với nội dung hoàn toàn khác biệt. Đồng danh nhưng khác nghĩa, việc dùng danh từ ung thư theo âm Hán - Việt vốn được dùng để chỉ những chứng bệnh thông thường trong y học cổ truyền - để dịch các từ cancer hoặc carcinoma của y học hiện đại một cách kém cẩn trọng đã dẫn đến nhiều sự ngộ nhận và hiểu lầm không đáng có.
KHÁI NIỆM UNG THƯ CỦA NGƯỜI XƯA
Ngày nay, khi có một ông lang, bà mế nào nói rằng: bài thuốc của tôi có thể chữa khỏi ung thư thì chắc hẳn người ta sẽ rất nghi ngờ hoặc phản bác kịch liệt. Nhưng ngày xưa, hoặc chí ít cũng là kể từ khi y học phương Tây chưa xuất hiện ở nước ta, điều đó được coi là một chuyện hết sức bình thường. Vậy thì, khái niệm ung thư trong y học cổ truyền phương Đông được hiểu như thế nào?
Có thể nói, danh từ ung thư đã được ghi lại sớm nhất trong Hoàng đế nội kinh tố vấn, một bộ sách y cổ nhất của phương Đông. Ví như, trong Linh khu/Ung thư thiên, Hoàng Đế đã hỏi Kỳ Bá: “Phu tử ngôn ung thư, hà dĩ biệt chi?” (Lão sư nói về ung với thư, lấy gì để phân biệt?). Sau này, nhiều y thư cổ khác như Vệ tề bảo thư, Chư bệnh nguyên hậu luận, Y tông kim giám, Ngoại khoa chính tông, Dương y chuẩn thằng, Ung thư thần diệu châm kinh đều đã đề cập đến với những kiến giải rất sâu sắc. Gọi chung là ung thư nhưng kỳ thực đó là hai bệnh danh khác nhau: ung chứng và thư chứng.
UNG THƯ VÀ THƯ CHỨNG
Ung là chỉ loại nhọt và áp-xe (surface sore, internal abscess) phát sinh cấp tính ở giữa da cơ với tốc độ nhanh, sưng nóng đỏ đau, nổi cao lên có giới hạn rõ ràng, dễ làm mủ và dễ vỡ, khi vỡ mủ rồi thì dễ hàn miệng, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có hoặc không có các chứng trạng toàn thân như phát sốt, sợ lạnh, môi khô miệng khát. Theo các y văn cổ, ung hàm nghĩa là khí huyết không thông vì độc tà ủng tắc. Sách Nội kinh viết: “Dinh khí khổ lưu vu kinh mạch chi trung, tắc huyết khấp nhi bất hành, bất hành tắc vệ khí tòng chi nhi bất thông, ủng át nhi bất đắc hành, cố nhiệt. Đại nhiệt bất chỉ, nhiệt thắng tắc nhục hủ, nhục hủ tắc vi nùng, nhiên bất năng hãm, cốt tủy bất vi tiêu khô, ngũ tạng bất vi thương, cố mệnh viết ung” (Dinh khí ở trong kinh mạch, khi nó lưu hành không được thông sướng làm cho vệ khí bị ngăn trở nên mới phát sốt. Khi sốt cao không dứt, thế nhiệt quá mạnh làm cho thịt nát hóa thành mủ, nhưng nhiệt độc chỉ ở phần ngoài, không hãm vào trong, nên xương tủy và ngũ tạng không bị tổn thương, thì gọi là ung). Sách Cảnh Nhạc toàn thư thì cho rằng: Ung là do dương độc nhiệt tà ủng tắc phần ngoài gây nên, nếu thế nhiệt mạnh thì sưng nề nhiều, sắc da đỏ bóng, đau kịch liệt, dễ hóa mủ mà cũng dễ thu miệng, phát nhanh mà cũng dễ khỏi nhanh.
Theo cổ nhân, ung là do ngoại cảm lục dâm (sáu thứ tà khí bên ngoài), ăn uống quá nhiều đồ cay nóng và bổ béo, thấp nhiệt hỏa độc uất kết ở bên trong khiến cho nhiệt độc tà khí ủng trệ làm dinh vệ bất hòa, kinh lạc trở tắc, khí huyết ngưng trệ mà thành. Tùy theo vị trí bị bệnh mà tên gọi và cơ chế bệnh sinh cũng có những điểm khác nhau. Nếu bị ở cổ thì gọi là cảnh ung, ở nách gọi là dịch ung, ở rốn gọi là tề ung, ở hông gọi là khoa ung, ở vú gọi là nhũ ung, ở hậu môn gọi là giang ung. Nếu tổn thương nông thì gọi là ngoại ung, nếu sâu thì gọi là nội ung. Nếu bị ở phần trên cơ thể (đầu, mặt, cổ và tay) thì thường kèm theo phong tà, ở phần giữa cơ thể (ngực, lưng và bụng) thì thường có khí uất và hỏa uất, ở phần dưới cơ thể thì thường kèm theo thấp tà. Ngoài ra, còn có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo đặc điểm và tính chất như: ung thũng là nhọt sưng, ung nùng là nhọt đã hóa mủ, ung lâu là mụn nhọt vỡ lâu không hết mủ thành lỗ dò, ung độc là nhọt độc, ung sang là mụn nhọt ở nông đã vỡ mủ tạo vết loét lâu liền.
Thư là chỉ loại nhọt chìm sâu ở trong (deep-seated sore), phát sinh ở giữa gân cơ và xương, đau âm ỉ, khi chưa thành mủ thì khó tiêu, đã thành mủ rồi thì khó vỡ, khi đã vỡ thì khó liền miệng, mủ thường trong loãng, căn cứ vào lúc khởi phát có đầu hay không có đầu mà chia thành hai loại: đầu thư và vô đầu thư (nhọt độc và áp-xe sâu). Tuy nhiên, xung quanh khái niệm về thư, các y thư và y gia mỗi thời kỳ cũng có nhiều kiến giải và cách gọi khác nhau. Sách Nội kinh viết: “Nhiệt khí thuần thịnh hạ hãm cơ phu, cân tủy khô, nội liên ngũ tạng, khí huyết kiệt, đương kỳ ung hạ, cân cốt lương nhục giai vô dư, cố mệnh viết thư. Thư giả, thượng chi bì yếu dĩ kiên, thượng như ngưu lãnh chi bì; ung giả, kỳ bì thượng bạc dĩ trạch, thử kỳ hầu dã”. (Uất nhiệt đốt mạnh, mủ độc hãm vào trong da thịt làm cho gân héo tủy khô, lại hướng sâu vào trong ảnh hưởng đến ngũ tạng, khiến khí huyết khô kiệt, khi đã ở tầng sâu thì gân xương cơ nhục đều hủ nát, gọi là thư. Đặc trưng của thư là sắc da tối đen không tươi mà dày, giống như là ở dưới cổ trâu; đặc trưng của ung là da mỏng và sáng bóng). Cũng trong Nội kinh còn có danh từ mãnh thư để chỉ một loại tổn thương viêm ở cằm trông giống như tổ ong, sau này gọi là tả hầu ung. Sách Y tông kim giám có khái niệm cầm thư để chỉ một loại tổn thương ở sống lưng gọi là đan độc (một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở ngoài da, có đặc điểm vùng da nổi lên những quầng đỏ tươi và nóng, sau lan dần ra nhiều chỗ, thường kèm theo sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, trẻ em thì quấy khóc, kinh giật không yên), y học hiện đại gọi là viêm quầng (erisipelas). Sách Ngoại khoa đại thành thì có các bệnh danh như điều thư, đôn thư, tiêu thư để chỉ những đinh thũng ở chi trên (là loại nhọt nhỏ nhưng rễ sâu, viêm tấy phát triển nhanh làm mủ ngoài da, tiên lượng nặng, hình như cái đinh nên gọi là đinh thũng), còn những đinh nhọt mọc ở phần dưới má và dưới mũi thì gọi là đinh thư.
Ngoài ra, trong các y thư cổ khác còn ghi lại khá nhiều bệnh danh thuộc loại thư như: dịch thư (lao hạch nách), cổ âm thư (lao hạch đùi) và hiếp lặc thư (lao thành ngực và xương sườn). Những chứng này về sau tùy theo tính chất mà quy vào hai chứng bệnh loa lịch (lao hạch) và lưu đàm (lao xương khớp). Sách Chư bệnh nguyên hậu luận có bệnh danh nhũ thư, thực chất là một dạng nhũ ung nhưng thương tổn có đầu, cứng hơn và không dễ vỡ loét. Sách Lưu quyên tử quỹ di phương còn có bệnh danh thoát thư hay thoát cốt thư, tức là bệnh viêm tắc động mạch của y học hiện đại, do nhiều nguyên nhân gây nên với chứng trạng chung là hoại tử đầu chi do tắc mạch.
KẾT LUẬN
Như vậy, có thể thấy bệnh danh ung thư trong y học cổ truyền đã có một lịch sử lâu đời, thường dùng để chỉ các loại mụn nhọt nói chung và sau này còn được sử dụng để chỉ một số bệnh khác như lao hạch, lao xương khớp, viêm tắc động mạch. Khái niệm này có nội dung hoàn toàn khác so với bệnh danh ung thư của y học hiện đại và nếu có cho là giống nhau thì cũng chỉ trong một phạm vi rất hẹp. Xem xét thấu đáo cả về lý thuyết và thực tiễn thì bệnh ung thư của Tây y thuộc phạm vi và có mối liên hệ tương đồng với chứng nham và chứng thũng lựu của Đông y. Vấn đề này xin được trình bày với bạn đọc trong những bài báo sau.