Phát hiện 2 hoạt chất ức chế ung thư từ cây sâm nam của VN
Tiến sĩ Quan (trái) và thầy hướng dẫn tại Nhật Bản. |
TS Trần Lê Quan, giảng viên môn hóa hữu cơ, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, vừa khám phá ra tính năng ức chế tế bào ung thư của 2 hoạt chất trong cây sâm nam. Khác với thuốc chống ung thư thông thường, các thành phần này không gây rụng tóc, rụng răng, lột da...
Việc phát hiện 2 chất này xảy ra một cách tình cờ khi anh Quan đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Lúc đầu, anh chỉ tập trung nghiên cứu cây sâm ngọc linh (Panax vietnamensis, thuộc họ nhân sâm - Araliaceae). Đến giữa năm 2000, khi thí nghiệm hàng loạt hoạt chất chống ung thư, nhân tiện anh thử luôn hoạt chất của cây sâm nam. Kết quả thật bất ngờ: Cây này có 2 chất ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Anh tiến hành cô lập và đặt tên cho 2 chất mới là Namomin A và Namomin B. Các thử nghiệm cho thấy chúng không có độc tính đối với tế bào bình thường nên không gây tác dụng phụ. Tiến sĩ Quan đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra cơ chế ức chế ung thư của 2 chất trên, tìm hiểu xem liệu chúng có khả năng giết chết hay ngăn không cho tế bào ung thư phát triển.
Tiến sĩ Quan cho biết, cây sâm nam mọc khá phổ biến ở vùng Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam) và người dân ở đây thường lấy phơi khô để khi nào mệt mỏi thì nấu nước uống. Theo một số tài liệu, cây sâm nam cũng có ở Cúc Phương.
Ngoài phát hiện trên, tiến sĩ Trần Lê Quan cũng đạt được những kết quả có ý nghĩa trong việc nghiên cứu cây sâm ngọc linh. Các thử nghiệm bước đầu trên chuột cho thấy, hoạt chất chính của cây sâm ngọc linh là Majomoside R2 có tác dụng bảo vệ gan rất tốt (sâm Triều Tiên không có hoạt chất này).
Tuổi Trẻ