Phát hiện và điều trị sớm ung thư da
Đừng phơi nắng quá nhiều nếu không muốn bị ung thư da. |
Rất ít ca ung thư da không phải do ánh nắng gây ra, đó là trường hợp tiếp xúc với các tia bức xạ ion hóa, các sản phẩm của nhựa, than đá, thạch tín. Bệnh có thể phát triển trên cơ sở một nốt ruồi, vết tàn nhang có sẵn từ rất lâu trước đó.
Ung thư da xảy ra ở những vị trí tiếp xúc nhiều nhất với tia nắng mặt trời như mặt, cổ, tay. Biểu hiện sớm của bệnh:
- Có vết loét ở bề mặt da, lâu lành mặc dù được chữa trị, có thể khỏi tạm thời rồi lại tái phát.
- Xuất hiện những vùng sừng hóa sẹo cũ, sau đó rỉ máu hoặc loét, ít đau kéo dài. Trường hợp này phải nghĩ tới ung thư tế bào vảy.
- Có những vết đốm đỏ nhạt màu có rỉ nước, trợt da kéo dài, không đau.
- Có một vết loét ở giữa liền sẹo, xung quanh có viền đen nổi gờ ở vùng trán, mũi, mí mắt, gò má. Đây là biểu hiện ung thư tế bào đáy.
- Nốt ruồi thay đổi tính chất: lớn nhanh, ngứa, có bờ cứng xung quanh hoặc có loét rỉ máu, là biểu hiện ung thư tế bào hắc tố.
Để chẩn đoán xác định, cần làm sinh thiết, cắt một mẩu nhỏ da của vùng loét và vùng lành để xét nghiệm mô bệnh học. Đối với các nốt ruồi có kích thước nhỏ dưới 2 cm thì cắt toàn bộ gửi làm xét nghiệm mô bệnh học.
Phẫu thuật cắt bỏ vùng tổn thương là phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư da. Cần nạo vét hạch vùng (nếu có) và phẫu thuật tạo hình ghép da sau điều trị. Với ung thư tế bào đáy, có thể dùng tia xạ thay thế phẫu thuật nếu u nhỏ. Với ung thư tế bào vảy, cần dùng tia xạ hỗ trợ sau phẫu thuật để phòng tái phát và di căn. Với ung thư tế bào hắc tố, chỉ dùng tia xạ trong một số trường hợp điều trị tạm thời. Điều trị bằng hóa chất chỉ áp dụng với ung thư tế bào vảy ở giai đoạn muộn.
Sau điều trị, bệnh nhân phải khám định kỳ 3 tháng một lần trong hai năm đầu, 6 tháng một lần trong 3 năm tiếp theo. Cần khám kỹ vùng u đã mổ và hạch vùng để phòng ung thư tái phát; siêu âm gan, chụp phổi để phát hiện di căn ung thư.
BS Nguyễn Phương, Sức Khỏe & Đời Sống