UNG THƯ VÚ & NỖI ÐAU CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Tác giả : TS. BS. NGUYỄN HOÀI NAM
Bước vào phòng khám của tôi là một phụ nữ tuổi mới ngoài 30, nét mặt đượm vẻ đau khổ. Chưa kịp ngồi yên chị đã chìa hai bàn tay và cánh tay bị sưng phù về phía tôi và nói với một giọng thều thào có vẻ khó thở. Chị M, năm nay 39 tuổi đã có gia đình và 3 con, cháu lớn nhất 17 tuổi và nhỏ nhất mới 6 tuổi. Bệnh của chị khởi phát đã ba năm, lúc đầu xuất hiện bên vú trái một khối u khoảng bằng đầu ngón tay, không thấy đau, chỉ hơi cộm. Ngày tháng trôi qua với công việc mưu sinh vất vả, chị không còn thời gian để ý đến bản thân và khối u nữa. Một năm sau, khi khối u đã khá lớn, chị lên trung tâm y tế huyện để khám, các bác sĩ nghi ngờ chị bị ung thư tuyến vú và chuyển Trung tâm ung bướu để điều trị. Trên đường đi, nghe theo lời khuyên của bạn bè, chị đã đắp thuốc nam và hậu quả là toàn bộ vú trái bị sưng to, lở loét lan cả sang vú phải, vài tháng sau hạch nách xuất hiện. Khi đến Trung tâm ung bướu thì chỉ còn có thể điều trị bằng hóa trị, nhưng là hóa trị tạm thời và thời gian sống của chị hiện chỉ tính bằng ngày.
Vài nét về dịch tễ học của ung thư vú
Ngày nay, ung thư vú không chỉ là một bệnh hay gặp nhất ở phụ nữ mà còn là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư cho phụ nữ ở nhiều nước (Tỷ lệ tử vong từ 25-35%/100.000 dân ở các nước Tây Âu và Mỹ. Ở phần lớn các nước, tỷ lệ ung thư vú tăng đều đặn theo từng năm. Trong thực tế ung thư vú ít khi gặp ở bệnh nhân dưới 25 tuổi, nhưng càng lớn tuổi tỷ lệ mắc bệnh càng cao, ở Mỹ tỷ lệ mắc bệnh ở những phụ nữ trên 74 tuổi là 9%, tức cứ 100 người trên 74 tuổi thì có 9 người bị ung thư vú.
Ung thư vú thường xảy ra ở những phụ nữ có mẹ bị ung thư vú, đặc biệt là ở những người có mẹ bị ung thư vú cả hai bên trước thời kỳ mãn kinh. Các phụ nữ này có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 9 lần những người bình thường và 50% trong số họ có thể bị bệnh.
Ung thư vú hay gặp ở những phụ nữ chưa sinh lần nào, đặc biệt là các nữ tu sĩ; Sinh nở càng nhiều thì nguy cơ ung thư vú lại càng thấp. Tuy nhiên, nếu sinh nhiều thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung lại tăng lên rất cao và cũng là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ. Một báo cáo cho biết: tỷ lệ ung thư vú ở khu vực phía Bắc cao hơn ở phía Nam và ngược lại ung thư cổ tử cung ở phía Nam lại cao hơn phía Bắc, có lẽ điều này cũng liên quan đến tập quán sinh đẻ của người phụ nữ. Nguy cơ phát triển ung thư vú bên kia sau khi bị ung thư vú một bên là 1% sau vài năm và tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân bị chiếu tia xạ. Uống rượu thường xuyên cũng là một nguy cơ. Những phụ nữ đã bị cắt bỏ buồng trứng trước 35 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh cũng thấp hơn.
Các phương pháp chẩn đoán
Một số bệnh thường gặp ở những phụ nữ trẻ như bệnh u xơ tuyến vú không phải là nguy cơ gây bệnh, tuy nhiên đứng trước một khối u ở vú, khó một bác sĩ nào dám khẳng định là lành tính nếu không có kết quả giải phẫu bệnh lý. Ở các nước tiên tiến, ngoài phương pháp mổ lấy trọn khối u và thực hiện giải phẫu bệnh lý, người ta còn sinh thiết qua kim làm tế bào học, nhưng hiện nay nhiều người vẫn chưa tin vào kết quả của phương pháp chẩn đoán này. Nếu kết quả đọc được là ung thư vú thì chắc chắn là ung thư, nhưng khi kết quả là lành tính thì nguy cơ ung thư vẫn còn lơ lửng đâu đó và đã có nhiều trường hợp bác sĩ phẫu thuật phải dở khóc, dở cười. Một phương pháp chẩn đoán giải phẫu bệnh tương đối hiện đại đang được một số bệnh viện như: Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Ðịnh, Phòng khám Ðại học Y Dược và Trung tâm Ung bướu v.v... áp dụng là phương pháp sinh thiết lạnh (hay còn gọi là sinh thiết tức thì). Với phương pháp này, kết quả sẽ có ngay trong vòng 30 phút đến một giờ, và tùy theo kết quả giải phẫu bệnh mà bác sĩ phẫu thuật sẽ áp dụng biện pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân. Một phương pháp chẩn đoán nữa cũng được áp dụng khá thành công tại một số bệnh viện, đó là phương pháp nhũ ảnh, căn cứ vào kết quả chụp được và khám lâm sàng, thầy thuốc sẽ hướng chẩn đoán đến tình trạng lành tính hay ác tính của khối u. Về nguyên tắc chung, chỉ được quyền cắt bỏ khối u và vú của bệnh nhân khi đã có kết quả giải phẫu bệnh.
Ở một số nước tiên tiến, người ta tổ chức hướng dẫn cho các phụ nữ, nhất là những người trên 40 tuổi các phương pháp tự tầm soát ung thư vú và chụp nhũ ảnh mỗi 6 tháng; Tuy nhiên kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng kinh tế, dân trí và đối tượng tham gia chương trình. Còn ở nước ta, phần lớn các bệnh nhân đều đến trong tình trạng bệnh đã muộn, khả năng và kết quả điều trị về ngoại khoa hay hóa trị rất kém, tỷ lệ sống sót sau 5 năm thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Khi khám lâm sàng, bao giờ cũng phải để ý đến tình trạng hạch nách cùng bên và đối bên, ngoài ra còn phải tầm soát xem đã có di căn xa đến nơi khác hay chưa? Chúng tôi rất thường gặp tình trạng bệnh nhân đã bị di căn vào màng phổi gây tràn máu màng phổi, làm khó thở và di căn vào xương sống gây đau nhức rất nhiều. Khi có tình trạng di căn xa thì tiên lượng rất xấu, mọi điều trị chỉ là tạm thời và chủ yếu là có tác dụng nâng đỡ bệnh nhân, giúp họ sống những ngày cuối cùng không quá đau khổ. Việc khám kỹ trên lâm sàng và đánh giá di căn sẽ giúp người thầy thuốc đánh giá chính xác giai đoạn của bệnh, trên cơ sở đó chỉ định đúng phương pháp điều trị và dự liệu được thời gian sống còn của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể trình bày hết các phương pháp điều trị hiện nay đối với ung thư vú. Kế hoạch điều trị phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn của bệnh. Khi đã được chẩn đoán chắc chắn bằng kết quả giải phẫu bệnh, người thầy thuốc thường sử dụng kết hợp giữa phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu, họa hoằn lắm mới có điều trị đơn độc. Ở giai đoạn một và hai, phẫu thuật cơ bản được áp dụng là cắt tuyến vú triệt để cải tiến, bao gồm toàn bộ tuyến vú và cơ ngực nhỏ kèm nạo hạch nách cho bệnh nhân. Sau đó tùy điều kiện có thể hóa trị hoặc không, tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi thật sát tình trạng tái phát hoặc di căn để quyết định có nên hóa trị tiếp tục.
Ðiều trị hóa trị là rất cần thiết, nhất là khi bệnh nhân đã đến trong tình trạng quá trễ. Nhưng một tình trạng khá phổ biến là trước khi đến thầy thuốc, bệnh nhân do thiếu hiểu biết và trong cơn hoảng loạn nên bất cứ ai khuyên điều gì cũng làm theo, như đắp thuốc lá, cắt lể; Hoặc có khi cũng đã đến các cơ sở y tế, nhưng do lượng bệnh nhân quá đông nên cơ sở không phục vụ kịp, lại phải làm nhiều xét nghiệm để chẩn đoán nên người bệnh không có thời gian và không đủ kiên nhẫn để tiếp tục điều trị v.v... Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác, kể cả nguyên nhân về kinh tế, xã hội và tâm lý mặc cảm nếu bị cắt bỏ tuyến vú. Tất cả những nguyên nhân trên đã làm mất đi thời gian tính - một yếu tố rất quan trọng trong điều trị ung thư. Trên thực tế, việc điều trị bằng hóa chất cũng gây không ít phiền toái cho người bệnh và gia đình. Ðiều đầu tiên phải kể đến là giá thành của thuốc còn quá cao, những công thức tối thiểu cũng là 6 triệu đồng cho một đợt điều trị (Một số hãng dược phẩm giới thiệu với chúng tôi những loại thuốc mà tổng liều điều trị lên tới 60-70 triệu). Do vậy, nhiều bệnh nhân sau khi được phẫu thuật đã đề nghị chúng tôi cho điều trị tiếp bằng hóa chất, nhưng khi nghe về giá thành của thuốc, họ đã lặng lẽ rút lui.
Những khó khăn trong điều trị
Trong điều trị ung thư vú, người thầy thuốc gặp phải rất nhiều khó khăn. Nếu không điều trị hóa chất sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể trách cứ là không nhiệt tình hay yếu kém chuyên môn; Nhưng thấy gia cảnh của nhiều bệnh nhân, quả thực chúng tôi cũng không biết khuyên họ thế nào. Trong quá trình điều trị, có rất nhiều nguyên nhân góp phần đưa đến thành công hoặc thất bại, trong đó thái độ săn sóc của người nhà đối với bệnh nhân cũng rất quan trọng. Chúng tôi đã gặp trường hợp bệnh nhân tuy có chồng con, nhưng không hiểu vì lý do gì, dù có yêu cầu muốn nói chuyện với người nhà nhưng hẹn đến năm lần bảy lượt, rồi cuối cùng đến khi mổ cũng không thấy chồng con đâu cả, chỉ có người hàng xóm thấy hoàn cảnh bệnh nhân quá tội nghiệp nên đi theo nuôi và giúp đỡ vài ngày.
Trong nghề y, có những bệnh như ung thư, AIDS và bệnh nan y, người thầy thuốc không được phép nói thật cho bệnh nhân tình trạng của họ mà chỉ trao đổi với người thân để từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Từ lâu, người ta đã chứng minh được vai trò rất quan trọng của yếu tố tâm lý trong điều trị, nhất là với những bệnh ác tính và hiểm nghèo. Ðã có những bệnh nhân sau khi mổ ung thư vú được khoảng một năm, người nhà giấu và chỉ nói là bị đa nang tuyến vú (là một bệnh lành tính) nhưng vì lý do tình cờ, bệnh nhân đi khám tổng quát tại một cơ sở y tế, bác sĩ làm siêu âm buột miệng nói ra những điều không cần thiết và sau đó chúng tôi thấy bệnh nhân xuống sắc mỗi ngày rồi qua đời 4 tháng sau đó. Hoặc một trường hợp khác mà chính người viết bài này đã chứng kiến: Có vị giáo sư bị ung thư dạ dày nhưng chính ông cũng không hề biết. Một hôm do bị ói ra máu, ông được nhập viện và mổ cấp cứu, mọi người đều giấu không cho ông biết về tình trạng di căn gan và toàn bộ dạ dày đã bị ung thư xâm lấn. Sau khi mổ, mặc dù chỉ sinh thiết để xác định bản chất của ung thư, ông vẫn cảm thấy rất yêu đời và lạc quan về sức khỏe của mình. Sau đó ít lâu tôi có mang quyển luận án Tiến sĩ Y học nhờ ông xem và góp ý kiến để sửa chữa, ông vui vẻ nhận lời và phấn khởi nói với tôi ông sẽ xuất viện về nhà trong thời gian sớm nhất. Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, khi tôi đến để chào thầy trước khi về TPHCM, tôi không thể nhận ra ông được nữa, mới ngày hôm qua, còn lạc quan và yêu đời là thế mà nay đã không còn chút thần sắc. Ông thều thào nói với tôi từng tiếng ngắt quãng chìm trong hơi thở: Em về trước đi, bản luận án của em chắc thầy không có sức để đọc nổi. Tôi bàng hoàng ngơ ngác không hiểu việc gì đã xảy ra. Về sau mới được vợ thầy kể lại, chiều hôm trước bệnh viện quyết định hóa trị liệu cho ông, người y tá khi pha thuốc vào dịch truyền đã vô tình để lại vỏ của ống thuốc... Thế là thầy hiểu ra tất cả và đã qua đời 3 tháng sau đó. Kể lại những câu chuyện trên, mục đích của chúng tôi là muốn nêu lên ảnh hưởng và vai trò rất quan trọng của người thân đối với tâm lý của bệnh nhân.
Chú thích ảnh: Cách tự khám vú để phát hiện khối u.