Những dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng
Triệu chứng lâm sàng của ung thư đại tràng giai đoạn sớm thường không đặc hiệu, nên rất dễ nhầm với viêm đại tràng hoặc kiết lỵ. Hầu hết bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã bị các biến chứng như tắc ruột, chảy máu ồ ạt, di căn.
Bệnh ung thư đại tràng khá phổ biến ở Việt Nam, đứng thứ 2 sau ung thư dạ dày và ngang hàng với ung thư gan nguyên phát. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 40-60, nam nhiều hơn nữ. Ung thư đại tràng phát triển theo 3 loại chính là loại gây chít hẹp, gây u sùi và loại phát triển trong thành đại tràng.
Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn còn là ẩn số, song nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh. Ngoài ra, có một vài bệnh lý liên quan như bệnh đa políp có tính chất gia đình, viêm loét đại tràng kéo dài, các loại u tuyến lành tính, nhất là u nhung mao.
Trong giai đoạn sớm, bệnh ung thư đại tràng chỉ có biểu hiện:
- Đau bụng âm ỉ, đôi khi thành cơn, thường giảm đau khi trung tiện được.
- Đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón có máu nhầy nên dễ nhầm bệnh với kiết lỵ, hoặc viêm đại tràng mạn. Đôi khi phân táo, áp dụng các biện pháp điều trị nhưng không đỡ.
Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu hiện nay là phẫu thuật. Tiên lượng sẽ tốt hơn nếu phát hiện bệnh sớm, kết hợp mổ cắt đoạn đại tràng cùng với khối u và lấy bỏ những hạch vùng thì tiên lượng tốt. Ngoài ra, có thể kết hợp với điều trị hóa chất tùy thuộc vào loại tế bào ung thư. Như vậy, tỷ lệ sống là trên 5 năm. Sau điều trị phẫu thuật và hóa chất, cần tiếp tục theo dõi lâu dài để phòng ung thư tái phát. Kiểm tra soi đại tràng định kỳ là việc cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Bệnh Viện Việt Đức
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)