Thuốc tránh thai không làm tăng nguy cơ ung thư
Theo một số nghiên cứu nhỏ, việc dùng thuốc tránh thai làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu quy mô hơn đã chứng minh được rằng, khả năng mắc bệnh này ở những người từng dùng hoặc chưa hề dùng thuốc ngừa thai là như nhau.
Trên thực tế, những người dùng thuốc tránh thai thường đi khám bệnh thường xuyên hơn người không dùng. Vì vậy, số người bị ung thư vú phát hiện được trong nhóm dùng thuốc tránh thai có thể nhiều hơn ở nhóm không dùng.
Ngoài ra, thuốc tránh thai cũng không làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung như nhiều người lo sợ. Căn bệnh này liên quan nhiều đến quá trình nhiễm virus HPV chứ không liên quan gì đến việc dùng thuốc tránh thai. Tuy nhiên, một số người dùng thuốc do không còn lo sợ có thai nên đã quá phóng túng trong quan hệ tình dục. Đây chính là nguyên nhân gây lây lan virus HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung sau này.
Thuốc tránh thai làm giảm nguy cơ ung thư tử cung và buồng trứng
* Ung thư tử cung
Bệnh xuất hiện nhiều ở những người có bệnh béo phì, ít sinh đẻ, tiểu đường, cao huyết áp; có liên quan đến tình trạng gia tăng thái quá lượng hoóc môn oestrogen trong cơ thể.
Nếu dùng thuốc tránh thai lâu dài, nồng độ một số hoóc môn trong cơ thể, trong đó có oestrogen, sẽ thường xuyên được giữ trong trạng thái cân bằng, giúp người phụ nữ giảm thiểu nguy cơ ung thư tử cung. Tác dụng bảo vệ này vẫn còn duy trì sau khi người phụ nữ đã ngừng dùng thuốc 10-20 năm. Điều đó có nghĩa là một phụ nữ dùng thuốc tránh thai ở tuổi 40 có thể giảm được nguy cơ ung thư tử cung cho đến khoảng 60 tuổi.
* Ung thư buồng trứng
Đây là loại ung thư phụ khoa gây chết nhiều nhất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ mắc bệnh ở những phụ nữ từng dùng các chất kích thích buồng trứng cao hơn so với người bình thường.
Thuốc tránh thai ngăn cản sự rụng trứng. Vì vậy, nó làm giảm bớt nguy cơ ung thư buồng trứng. Tác dụng này cũng được duy trì trong 10-20 năm sau khi ngừng dùng thuốc.
BS Tạ Thị Thanh Thủy, Người Lao Động