Phòng và trị ung thư dạ dày
Đầy bụng là một trong những triệu chứng ung thư dạ dày. |
Đầy bụng, chậm tiêu, kém ăn, sút cân, mệt mỏi là triệu chứng của bệnh này. Nhưng muốn biết được chính xác thì phải chụp X-quang. Cuộc kiểm tra cho phép nhìn thấy rõ dạ dày, phát hiện những thương tổn của nó.
Các nhà khoa học từ lâu đã nghĩ rằng tiêu thụ nhiều muối và cá hun khói tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện ung thư dạ dày. Những người mắc các bệnh mạn tính ở dạ dày như viêm thể teo, có khối u lành tính... cũng dễ mắc ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng vi khuẩn Helicobacter pylori là thủ phạm số một gây bệnh.
Ngày nay, nhiều chuyên gia cho rằng sự có mặt của chất selen và nitrat trong đồ uống cũng là nguyên nhân dẫn tới ung thư dạ dày (nitrat có thể chuyển hóa thành nitrit, sau đó thành nitrozamin, những sản phẩm gây ung thư). Giáo sư Philippe Rougier, chuyên gia phẫu thuật hệ tiêu hóa thuộc Bệnh viện Ambroise Paré (Pháp) cho rằng, trên thực tế, ung thư dạ dày là do nhiều yếu tố phức tạp kết hợp gây ra. Không thể nói rằng tỷ lệ nitrate hơi cao trong nước uống có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
Sự thay đổi những thói quen sống, đặc biệt là việc tiêu thụ nhiều hơn những sản phẩm bảo vệ như rau và hoa quả có thể góp phần làm giảm thực sự các căn bệnh ung thư dạ dày.
Có hai “họ” ung thư dạ dày: một loại xuất hiện ở phần phía trên dạ dày, loại kia ở phía dưới. Có hai phương pháp phát hiện bệnh là chụp X-quang và nội soi. Trong đó, nội soi dạ dày- tá tràng ống mềm có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu nghi ngờ tính chất của ổ loét hay khối u, các bác sĩ sẽ sinh thiết vài mảnh tại vùng tổn thương để xác định bản chất tế bào là lành tính hay ác tính. Kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp giúp đánh giá mức độ xâm lấn và di căn của khối u.
Giáo sư Rougier cho rằng trong trường hợp không có di căn (chiếm khoảng 50%), cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày là cách điều trị triệt để và duy nhất để chữa khỏi bệnh ung thư. Nếu phát hiện sớm (khối u chỉ mới phát triển trên bề mặt dạ dày), phẫu thuật sẽ giúp điều trị khỏi trên 90% trường hợp. Nếu để đến giai đoạn muộn, kết quả mổ sẽ kém, phụ thuộc nhiều vào tình trạng xâm lấn, di căn của khối u. Trong trường hợp có di căn, việc phẫu thuật cắt bỏ u, nạo vét những vùng di căn chỉ giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư mà gần đây con người đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc điều trị. Chẳng hạn, ngày nay, liệu pháp hóa học trước phẫu thuật có thể làm giảm diện tích của khối u, tạo thuận lợi cho ca mổ. Việc phối hợp giữa liệu pháp hóa học và liệu pháp tia X giúp kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân, giảm 30% nguy cơ tái phát.
Những bệnh nhân có di căn ở vùng gan, màng bong hoặc hạch bạch huyết được điều trị bằng cách tiêm thuốc. Cho dù liệu pháp này không giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh nhưng có thể kéo dài tuổi thọ, giảm bớt đau đớn và mệt nhọc.
Giới khoa học đang trông đợi nhiều vào liệu pháp sinh học, điều chế những sản phẩm có khả năng ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư. Những sản phẩm này đã được một số tập đoàn dược phẩm đưa vào thử nghiệm và cho kết quả tương đối khả quan. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát hiện ra một gene có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư dạ dày. Phát hiện này sẽ mở ra những hướng điều trị mới đầy hứa hẹn.
Chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ mắc và giảm sự phát triển của căn bệnh này. Từ lâu, người ta đã nói rằng cần tiêu thụ nhiều những sản phẩm giàu chất xơ để tránh bị ung thư dạ dày. Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc thì những thức ăn giàu axít folic sẽ làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh này. Axits folic có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, thận, cam, ngũ cốc và rau xanh. Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu Mỹ cũng phát hiện ra rằng chất sulforaphane trong cây súp lơ xanh và mầm của nó có thể tiêu diệt vi khuẩn helicobacter pylori - thủ phạm chính gây loét và ung thư dạ dày.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)