MRI phát hiện ung thư vú tốt hơn X quang
Với một số phụ nữ, công cụ tốt nhất để phát hiện sớm ung thư vú không phải là chụp X quang, siêu âm hay khám lâm sàng mà là chụp cộng hưởng từ (MRI).
Kỹ thuật này đặc biệt đúng cho nhóm phụ nữ bị đột biến ở hai gene nhạy cảm với bệnh là BRCA1 và BRCA2. Theo các chuyên gia, hai đột biến trên chịu trách nhiệm về 2% tổng số ca ung thư vú. Nếu không được phẫu thuật phòng ngừa, những phụ nữ mang các đột biến đó có nguy cơ mắc bệnh lên tới 85%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của thế giới là 1/8. Kết quả là, họ được khuyến cáo thực hiện các kiểm tra dự phòng 6 tháng một lần.
Ellen Warner và cộng sự tại Trung tâm ung thư vùng Toronto-Sunnybrook đã so sánh 4 kỹ thuật: MRI, chụp X quang vú, siêu âm và thăm khám ngực lâm sàng trên 236 phụ nữ được xác định là có mang gene đột biến gây ung thư vú.
Trong 6 năm, các bệnh nhân được kiểm tra từ 1 đến 3 lần mỗi năm bằng tất cả các phương pháp. Kết quả là, 22 trường hợp ung thư vú được phát hiện, một số được nhiều phương pháp cùng nhận ra. Trong đó MRI là hiệu quả nhất, chiếm đến 77% (17 ca). 8 trường hợp nhận ra bệnh nhờ chụp X quang vú (36%), 7 trường hợp nhờ siêu âm (33%) và chỉ có 2 người (chiếm 9,1%) được tìm thấy qua thăm khám lâm sàng.
"Kết quả này chứng tỏ chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật quan trọng nhất trong việc phát hiện ung thư vú ở những người mang đột biến gene BRCA1 và BRCA2", các tác giả lập luận.
Tiến sĩ Warner cũng nhấn mạnh rằng MRI "không dành cho cộng đồng bình thường". Và rằng việc kết hợp cả 4 phương pháp sẽ cho hiệu quả chính xác tới 95%.
Thuận An (theo Scientific American)