VITAMIN VÀ BỆNH UNG THƯ
PTS. KIỀU KHẰC ĐÔN
(Trường ĐH Dược Hà Nội)
Bệnh ung thư là căn bệnh nguy hiểm chết người thì ai cũng rõ, nhưng nguyên
nhân của nó thì cho đến ngày nay vẫn còn chưa sáng tỏ. Những dự báo y học khả
quan nhất cũng phải cho là đến đầu thế kỷ 21 con người mới có thể tìm ra căn
nguyên đích thực và trên cơ sở đó mới có thể khống chế được bệnh ung thư. Tuy
nhiên, con người cũng đã tìm ra nhiều cách chữa trị ngày càng có kết quả, và một
trong số những biện pháp hữu hiệu, đó là thuốc. Người ta đã nói tới nhiều loại
vitamin có khả năng phòng và chống ung thư, nhưng ngược lại cũng có nhiều loại
vitamin giúp cho các khối u ác tính phát triển.
Các vitamin phòng chống ung thư
Trong thời gian gần đây đã có nhiều thông báo về khả năng phòng bệnh ung thư
của một số thực phẩm mà chủ yếu là các loại rau xanh, hoa quả như cà chua, súp
lơ, bắp cải, đậu tương, quả cà tím, tỏi, cà rốt v.v... Nhiều thống kê dịch tễ
học tại nhiều vùng dân cư có những tập quán ăn uống khác nhau ở nhiều vùng trên
thế giới đã cho những con số rất thuyết phục về tác dụng phòng chống ung thư của
nhiều loại thực phẩm mà chủ yếu là trong chúng có hàm chứa 2 loại vitamin giữ
vai trò chủ đạo là vitamin C và vitamin E (một số tác giả còn cho là vitamin A
đặc biệt tiền chất bêta-caroten của nó cũng có tác dụng chống ung thư). Nhà bác
học người Mỹ Pauling, người 2 lần được giải thưởng Nobel là người ca gợi hết lời
về những khả năng kỳ diệu của vitamin C trong việc phòng chống nhiều căn bệnh
nguy hiểm như ung thư, tim mạch và cả sự lão hóa của cơ thể. Vitamin E và
bêta-caroten cũng đã được nhiều hàng dược phẩm trên thế giới dùng làm nguyên
liệu cho những loại biệt dược khác nhau và được quảng cáo (nhiều khi quá đáng)
về tác dụng phòng và chống ung thư. Hiện nay, trong khẩu phần ăn của nhiều người
trên thế giới và cả ở nước ta cũng đã có dồi dào nhiều loại rau củ và hoa quả có
chứa những loại vitamin nói trên.
Những vitamin có tác dụng làm cho ung thư phát triển
Thông tin này nhiều người còn chưa được biết (ngay cả một số thầy thuốc), do
đó đã dẫn đến việc chỉ định nhầm, không những không góp phần ngăn chặn sự phát
triển của ung thư mà lại "tiếp tay" cho các tế bào ác tính có điều kiện thuận
lợi để nhanh chóng lớn lên và di căn đến nhiều nơi khác, kết cục là cái chết
càng sớm hơn.
- Vitamin B12
Cách đây vài thập kỷ, thứ thuốc có màu hồng quyến rũ này được nhiều người dân
nước ta mê tín coi là thứ thuốc "đại bổ" nên đã lạm dụng trong việc sử dụng nó.
Tác dụng đầu tiên mà người ta khám phá ra vai trò của vitamin B12 là chống lại
bệnh thiếu máu có hồng cầu to (bệnh Biermer), và sau này là tác dụng đối với các
nơron thần kinh nên thường được dùng phối hợp với vitamin B1 và vitamin B6 để
điều trị nhiều căn bệnh đau nhức, tê bại... Về tác dụng được lý, vitamin B12 có
khả năng làm cho các tế bào tăng trưởng mạnh, vì thế bệnh nhân bị mắc bệnh thiếu
máu hồng cầu to sau khi được điều trị bằng vitamin B12 đã nhanh chóng hồi phục.
Về mặt cơ chế bệnh sinh, ung thư cũng là một căn bệnh mà sự phát triển các tế
bào ác tính là vô tổ chức và không thể kiểm soát nổi. Các thuốc điều trị ung thư
đều nhằm hoặc là tiêu diệt tế bào hoặc là kìm hãm sự phát triển của chúng. Khi
dùng kết hợp với các thuốc kích thích miễn dịch sẽ tạo điều kiện cho cơ thể
chống lại các tế bào được coi là ngoại lai này.
Vì thế việc dùng thứ vitamin được coi là thứ thuốc bổ này cho các bệnh nhân
ung thư chỉ là làm cho bệnh càng tiến triển nhanh hơn mà thôi. Trong thực tế, ít
có các thầy thuốc chỉ định dùng vitamin B12 cho bệnh nhân ung thư mà chủ yếu là
tự bệnh nhân mua dùng hoặc người nhà, người thân mua biếu với thiện ý "bồi
dưỡng"! Cần hết sức lưu ý là hiện nay có khá các thứ thuốc được xếp vào loại
thuốc bổ hay thuốc tăng lực có phối hợp nhiều loại dược chất khác nhau như các
loại muối khoáng, vitamin, tinh chất nhân sâm... đều có chứa một hàm lượng
vitamin B12 nhất định, chẳng hạn như viên "thuốc đạm" mang tên gọi là pharmaton
khá nổi tiếng có chứa tới 100 microgram vitamin B12. Có rất nhiều người, kể cả
các thầy thuốc do không tìm hiểu kỹ đã chỉ định dùng viên thuốc được xem là
chống suy nhược này cho các bệnh nhân ung thư. Đó là một sự "thiện ý" tác hại
không ngờ tới trước.
- Vitamin B1
Đây là loại vitamin không thuộc diện chống chỉ định cho những bệnh nhân ung
thư nhưng phải hết sức thận trọng khi dùng nó cho các đối tượng này. Một số bệnh
nhân ung thư như bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu), bệnh ung thư đường tiêu hóa
và một số khối u ác tính tiến triển nhanh đều gây ra hậu quả thiếu hụt vitamin
B1 nên thường được các bác sĩ chỉ định cho dùng bổ sung trong quá trình điều
trị. Hơn nữa, khi dùng các thuốc điều trị khối u cũng phát sinh ra sự thiếu hụt
này dẫn đến những hậu quả như tê bì, suy giảm trí nhớ và tăng lượng acid lactic
trong máu (gây tình trạng toan hóa máu). Nhưng nếu dùng quá nhiều vitamin B1 cho
bệnh nhân thì lại gây ra sự tăng trưởng của các khối u làm cho ung thư tiến
triển mau hơn.
Quan hệ giữa vitamin B1 và ung thư đã được làm sáng tỏ vào năm 1997. Cơ chế
của sự kiện này là khi các tế bào ung thư phân chia với tốc độ nhanh đã sản sinh
ra một loại đường là ribose. Đó là một khung để hình thành các vật liệu di
truyền quan trọng của các tế bào sống là AND và ARN. Các vật liệu này lại rất
cần thiết cho sự hình thành các tế bào ung thư mới. Ở các tế bào bình thường sự
tái tạo này rất cần đến oxy, nhưng các tế bào ung thư do tốc độ phát triển nhanh
đã tìm cách "sáng tạo" ra một con đường khác không cần đến đến oxy thông qua một
loại enzym gọi là transketolase (gọi tắt là TK), mà con đường này lại rất cần
đến vitamin B1. Các nhà khoa học gọi cơ chế tương hỗ này là "phản ứng phụ thuộc
vitamin B1".
Phát hiện quan trọng trên không những có giá trị hạn chế việc dùng vitamin B1
cho những bệnh nhân ung thư mà còn định hướng cho việc tìm kiếm một loại thuốc
có tác dụng kìm hãm enzym TK nhằm chữa trị ung thư. Vấn đề đặt trước các nhà
khoa học là tìm ra một "hành lang" hợp lý để không bị quá liều vitamin B1 khi
điều trị cho bệnh nhân ung thư mà lại không để họ bị rơi vào tình trạng thiếu
hụt.