Điều trị ung thư vú có tạo hình giúp giữ nguyên bộ ngực
Việc phát hiện sớm cục u khoảng 0,5 -1 cm có thể điều trị khỏi
bệnh và giữ được bộ ngực. Các biện pháp phát hiện sớm là: - Siêu âm vú: không gây tổn hại, phát hiện được các bất thường của tuyến vú, giá cả hợp lý. - Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): phát hiện rất sớm khối bướu ở vú, kể cả khi không sờ thấy. Tuy nhiên, chi phí tương đối cao và cần thận trọng khi tiếp xúc với tia X. - Tự khám ngực lúc sạch kinh, nếu đã mãn kinh thì khám hằng tháng. |
Một khối u ác trong ngực được nhìn thấy dưới kính hiển vi. |
Với phương pháp điều trị ung thư vú có tạo hình, ước mơ bảo tồn bộ ngực mà vẫn điều trị tốt đã thành hiện thực. Phương pháp này không làm tăng tỷ lệ tái phát, không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót và thời gian điều trị hỗ trợ.
Tạo hình ngay tuyến vú là một tiến bộ quan trọng trong điều trị ung thư vú, giúp người bệnh tránh được tổn thương tinh thần do sự biến dạng của kỹ thuật đoạn nhũ - cắt bỏ cả tuyến vú ung thư gây ra.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, liệu pháp bảo tồn vú gồm 2 bước: Bước một dùng phẫu thuật bảo tồn, bước hai là xạ trị bổ túc sau mổ. Khi phẫu thuật bảo tồn, bác sĩ không cắt bỏ trọn tuyến vú mà chỉ cắt lấy khối bướu ung thư cùng mô chung quanh bờ khối bướu, khoảng cách an toàn là 1-2 cm. Trong lúc mổ, bằng phương pháp sinh thiết tức thì, bác sĩ sẽ thử những rìa cắt để bảo đảm không còn mô ung thư.
Kỹ thuật tạo hình bằng mô tự thân phổ biến nhất là sử dụng vạt da cơ thẳng bụng hoặc cơ lưng, tùy theo kích thước của tuyến vú cần tạo hình. Việc tạo hình tuyến vú không ảnh hưởng đến quá trình điều trị sau đó, song thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài hơn so với phẫu thuật đơn thuần cắt bỏ tuyến vú ung thư. Những biến chứng thường gặp là bệnh nhân phải mang sẹo, bị yếu thành bụng hoặc cơ vai.
Việc thực hiện tái tạo vú ngay trong giai đoạn mổ đoạn nhũ gọi là tái tạo tức thì, còn tái tạo sau đoạn nhũ một thời gian (một năm hoặc vài năm) gọi là tái tạo trì hoãn. Đối tượng được áp dụng liệu pháp này chủ yếu là những bệnh nhân mắc ung thư ở thời kỳ sớm, thường là với các khối bướu T1 có kích thước lớn nhất là 2 cm, và T2 có kích thước từ 2-5 cm, đồng thời trong ngực chỉ có một khối bướu ung thư.
Những trường hợp không được chỉ định phẫu thuật tạo hình và kỹ thuật vạt da cơ thẳng bụng là người nghiện thuốc lá, béo phì, tiểu đường, từng được phẫu thuật ở bụng, đặc biệt là phẫu thuật tạo hình thành bụng. Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch nặng cũng không thể chịu đựng cuộc mổ kéo dài.
(Theo Người Lao Động)