Nguyên nhân gây ung thư phổi ở người không hút thuốc
Vị trí các khối u trong phổi |
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra một loại biến đổi gen có thể khiến cho một số người bị ung thư phổi cho dù họ không hút thuốc.
Theo tiến sĩ William Pao, một chuyên gia của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, New York, thì những khối u trong phổi những người không hút thuốc không giống những khối u phát sinh do hút thuốc (chiếm tới 90% các u bướu ở phổi).
Nhóm nghiên cứu kiểm tra 15 khối u của những đối tượng không bao giờ hút thuốc nhưng lại bị ung thư tuyến, một căn bệnh ung thư thường gặp. Trong đó 7 người có đột biến trong gen EGFR - gen phát tín hiệu cho tế bào ung thư phân chia và lớn lên. Nhóm cũng nghiên cứu 81 khối u từ những người đã và đang hút thuốc và nhận thấy rằng chỉ có 4 người có đột biến gen này. Biến thể của gen EGFR xuất hiện với mật độ cao trong các tế bào ung thư phổi, kể cả ở những người không hút thuốc.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm 2 loại thuốc chống ung thư mới có tác dụng hạn chế hoạt động của gen EGFR là Iressa và Tarceva, trên các bệnh nhân có đột biến gen EGFR. Kết quả cho thấy các khối u có biến thể EGFR rất nhạy cảm với thuốc, trong khi những khối u không có đột biến này thì không. Trong số những bệnh nhân có đột biến gen nhạy cảm với Iressa và Tarceva, 3/4 là những người không hút thuốc.
"Chúng tôi đang tìm cách nhận dạng những đột biến này. Nếu thành công, nó sẽ mở ra hướng mới trong việc điều trị ung thư phổi cho những người có đột biến gen EGFR. Chúng ta có thể dựa vào cấu trúc của gen EGFR để tìm ra những bệnh nhân đó và sử dụng Iressa và Tarceva để điều trị cho họ", Pao cho biết.
Đột biến ở gen EGFR không mang tính di truyền nhưng phát sinh sau khi ra đời, có thể là do tiếp xúc với một số yếu tố môi trường nào đó. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm ra cơ chế gây ra ung thư phổi của nó.
Việt Linh (theo Healthday)