Dùng chó để "đánh hơi" bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Chú chó Tarn đang được huấn luyện. |
Ý tưởng này của các nhà khoa học Anh xuất phát từ quan điểm cho rằng, với khứu giác nhạy bén, chó có thể phát hiện mọi thay đổi trong nước tiểu, chằng hạn sự hiện diện của các tế bào lạ ở người bị ung thư tuyến tiền liệt. Theo họ, việc sử dụng chó được huấn luyện sẽ hiệu quả hơn so với kỹ thuật chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hiện hành.
Bác sĩ Barbara Sommerville, Khoa Thú y lâm sàng Đại học Cambridge, thành viên của nhóm nghiên cứu, nói: "Nếu có sự thay đổi bền vững về mùi, chó có thể phát hiện được. Chúng tôi không hề nghi ngờ gì về chuyện này. Hiện tại, chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt còn chưa chính xác. Thử nghiệm huyết thanh thường cho nhiều kết quả dương tính giả và một số kết quả âm tính giả. Điều này gây rất nhiều rắc rối, nhất là vì bước chẩn đoán tiếp theo gồm nhiều lần sinh thiết".
"Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên thực tế là khứu giác của chó chính xác tới mức có thể phát hiện tất cả mọi bất thường. Đã có những trường hợp chó tự báo động cho chủ nhân về sự thay đổi trong nốt ruồi mà sau đó được chẩn đoán là bị ung thư", bác sĩ Barbara nói.
Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge đang tìm kiếm nguồn tài trợ để thử nghiệm lý thuyết của mình. Hiện họ đã có trong tay một chuyên gia huấn luyện chó để có thể bước ngay vào việc. Ông Clarricoates đã bắt đầu luyện tập cho 3 chú chó: Tarn (2 tuổi), Chip (4 tuổi) và Bliss (7 tuổi). Ông cho biết, chó đã được sử dụng để hỗ trợ những người bị động kinh và giúp chủ nhân biết khi nào họ chuẩn bị lên cơn. Đó là do trung tâm điều khiển cảm giác ở não chó có khả năng đặc biệt, giúp nó phát hiện những thay đổi trong hệ miễn dịch và thân nhiệt của chủ nhân.
Ông Clarricoates nói: "Chúng tôi không biết chính xác chó sẽ đánh hơi cái gì. Tất cả những gì chúng tôi biết là mẫu nước tiểu của một người bị ung thư khác với nước tiểu của người thường". Ông hy vọng, nếu tìm được nguồn tài trợ, những chú chó được huấn luyện thành thạo sẽ "xuất xưởng" sau 6 tháng.
Thu Thủy (theo BBC)