Chế độ ăn của người bị xơ gan
Xơ gan là gian đoạn cuối của các quá trình bệnh lý mạn tính ở gan, với nhiều biến chứng trầm trọng, có thể đe dọa mạng sống. Tuy khó chữa khỏi hẳn nhưng việc phát hiện để điều trị sớm, tránh những lao động nặng nhọc và tuân theo một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Theo Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, Chủ nhiệm Bộ môn Gan, Đại học Y Dược TP HCM, nếu gan bị hư hại, các tế bào gan sẽ dần dần được thay thế bằng chất xơ. Chất xơ được tạo ra ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc của gan và người ta gọi đó là xơ gan.
Hai nguyên nhân quan trọng nhất gây xơ gan là bệnh viêm gan do virus (đặc biệt là viêm gan B và C) và rượu. Bệnh còn có thể xảy ra khi bị suy tim kéo dài, tắc mật lâu ngày, dùng dài hạn các loại thuốc độc cho gan hoặc do một số bệnh lý rối loạn bẩm sinh của cơ thể… Nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì rõ rệt, chỉ cảm thấy mệt mỏi, không làm việc được lâu, chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, có cảm giác đầy bụng sau khi ăn. Đôi khi bệnh nhân thấy đau tức vùng dưới sườn phải. Sự suy giảm chức năng gan xuất hiện khi bệnh tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân thấy bụng ngày càng to ra do ứ nước mà người ta gọi là cổ trướng hoặc báng bụng.
Người bị xơ gan nên ăn uống như thế nào?
- Tuyệt đối không uống rượu.
- Cân đối giữa các thành phần như chất đường, chất béo, chất đạm, rau và trái cây.
- Bệnh nhân bị bụng báng phải hạn chế ăn muối, nước tương, nước mắm, chao và tất cả những thức ăn có vị mặn. Lượng muối natri không vượt quá 1.000 mg mỗi ngày, tương đương khoảng 2,5 g muối ăn.
- Hạn chế ăn những thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn và những thức ăn bán ngoài hàng ăn vì chúng chứa nhiều muối và nhiều bột ngọt. Nên nhớ rằng, bột ngọt cũng có nhiều muối natri trong đó.
- Uống khoảng 1-1,5 lít nước mỗi ngày.
- Nên tránh ăn mỡ động vật, bơ mà thay bằng dầu hoặc bơ thực vật.
- Người bị xơ gan có nhu cầu về chất đạm tương tự như người bình thường. Trung bình người lớn cần mỗi ngày khoảng 1 g protein cho mỗi kg cân nặng, nghĩa là một người nặng 50 kg cần khoảng 50 g protein. Những thức ăn có nhiều chất đạm là thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt (chứa 20% protein), cá (20%), trứng (13%), ngũ cốc (10%), sữa (3%). Khi bệnh nhân xơ gan bị lơ mơ hay hôn mê, phải ngưng ăn chất đạm hoàn toàn.
- Rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp vitamin và các khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể và hoạt động của gan.
Để phòng bệnh xơ gan, nên hạn chế uống rượu và tiêm phòng viêm gan B, (cần tiêm sớm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính, cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan đang tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật.
Sài Gòn Giải Phóng, 9/7